Xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Kuwait: Cần vượt qua đối thủ nặng ký là Ấn Độ và Trung Quốc

Thương vụ Việt Nam tại Kuwait, cho rằng Kuwait tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực Trung Đông và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 6 tỷ USD trong năm 2023.

NHIỀU ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

Đây là thị trường đầy tiềm năng cho hàng Việt, điển hình là nông sản, thủy sản, đồ gỗ… Đặc biệt, ngành nông nghiệp Kuwait không phát triển do có tới 82% diện tích là sa mạc. Vì vậy, nông sản của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tại thị trường này.

Tuy nhiên tại Kuwait, Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh về hàng may mặc, đồ gỗ, trái cây, rau củ, chè, cà phê, hạt điều, gia vị, gạo… Mỗi một nhóm mặt hàng chúng ta có một số đối thủ khác nhau.

Nổi lên chính vẫn là Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Kuwait từ nhiều năm nay, mặt hàng từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, viễn thông, xây dựng, lao động, du lịch... Trong đó, cạnh tranh chủ yếu vẫn là số lượng và giá cả.

Chất lượng hàng Trung Quốc không được đánh giá cao ở Kuwait nhưng có thể chấp nhận. Trung Quốc sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí xuất khẩu số 1 vào Kuwait trong nhiều năm tới, với giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.

Ấn Độ có nhiều mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Kuwait. Mặt khác, lực lượng lao động quốc tịch Ấn Độ có mặt cả ở vị trí lao động giản đơn đến lao động cao cấp, từ thương mại đến kỹ thuật, tài chính, ngân hàng...

Đặc biệt đội ngũ doanh nhân đông đảo, cán bộ quản lý trung gian, nắm giữ thông tin, ảnh hưởng lớn tới việc mua bán hàng hóa, giá cả phần nhiều do người Ấn Độ nắm giữ.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị (chủ là người Ấn Độ) LuLu Hypermarket ở đây đang không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh quyết liệt và từng bước chiếm ưu thế về thị trường bán lẻ ở đây.

Thương vụ Việt Nam tại Kuwait nhận định, trên thực tế những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam chiếm tỷ trọng chưa cao tại Kuwait. Nên vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu.

Mặc dù vậy, hàng hóa Việt Nam luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… có cùng mặt hàng xuất khẩu sang Kuwait.

“Do vậy Việt Nam rất cần có sự hiện diện thương mại của các doanh nghiệp trực tiếp ở Kuwait mới hy vọng thúc đẩy thị trường nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa”, Thương vụ Việt Nam tại Kuwait nhấn mạnh.

DÀNH ƯU TIÊN CHO XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng nông sản và thực phẩm tiếp tục sẽ là mặt hàng cần đẩy mạnh xúc tiến do vẫn còn dư địa để Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang Kuwait.

Các cơ quan Chính phủ cần tiếp tục dành ưu tiên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại các nước thuộc khu vực GCC (Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh gồm 6 quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman) nói chung và tại Kuwait nói riêng.

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện khảo sát, giao thương và quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp ra nước ngoài, góp phần đưa thị trường khu vực GCC trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Thương nhân Kuwait nói riêng và GCC nói chung có xu hướng thích được trải nghiệm trực tiếp hàng hóa, do đó việc chào hàng mẫu trực tiếp hoặc quảng bá thông qua các hội chợ triển lãm là một cách thức rất hiệu quả tại Kuwait.

Đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp giao thương với thị trường GCC nói chung và Kuwait nói riêng cần tạo dựng niềm tin đối với khách hàng, vì thực chất những doanh nghiệp tại khu vực GCC rất có tiềm lực về tài chính, và họ ưa chuộng thanh toán dựa nhiều vào sự tin cậy.

Doanh nghiệp cần tích cực và chủ động đi khảo sát thị trường, tham gia vào các hội chợ triển lãm tại các nước trong khu vực để trực tiếp gặp gỡ đối tác, bạn hàng.

Đồng thời cần chủ động tìm kiếm đối tác hoặc chào hàng thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề tổ chức tại Việt Nam hoặc các nước GCC (tập trung tại UAE, Ả-rập Xê-út, Kuwait), qua Thương vụ hoặc Đại sứ quán của Việt Nam tại khu vực này hoặc Đại sứ quán của các nước GCC tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm hiểu và nghiên cứu thị trường GCC trực tiếp hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi của Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Nguồn: TBKTVN