Tiếp tục lo vốn cho nền kinh tế
Lượng vốn lớn được đẩy ra nền kinh tế
Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, khai mạc vào ngày 20/5 tới, Báo cáo Tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay (13/5), trong phiên họp thứ 33.
Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu dự báo, tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó dự báo, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Tuy nhiên, cũng có những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu và khu vực, sự phục hồi nhu cầu đối với một số nhóm hàng tại một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn... “Đây là điều kiện để Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”, Chính phủ nhận định.
Kết quả phát triển kinh tế 4 tháng đầu năm nay, theo Chính phủ, là khá tích cực. Tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023 và kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 733.400 tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho thấy, tình hình thu, chi ngân sách có những tín hiệu tích cực. Đơn cử, ước tính có 35/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I/2024 đạt trên 30% dự toán, 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Cũng trong quý I/2024, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so với dự toán, trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 50,9% dự toán thu nội địa) đạt 35,5% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 115.900 tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán Quốc hội quyết định. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, nhưng còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm.
Tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ, tiến sát đến mức thấp của mục tiêu mà Quốc hội đề ra (4 - 4,5%)
Thời gian còn lại của năm nay, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường cao tốc, liên vùng, ven biển, sân bay, cảng biển và các Chương trình Mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Giải pháp tiếp theo được xác định là tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn từ các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay 2,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi, vốn ODA cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cũng xác định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng can thiệp vào biến động tỷ giá trong trường hợp cần thiết. Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; cân đối hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, báo cáo nêu.
Vẫn lo khả năng hấp thụ vốn
Cũng trong sáng nay, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Ở nội dung này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 4.689 tỷ đồng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chi tiết theo ngành, lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư. Giao Thủ tướng Chính phủ giao Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chi tiết nhiệm vụ, dự án.
Kiến nghị tiếp theo là phân bổ 1.700 tỷ đồng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ số vốn 15.746,187 tỷ đồng dự phòng của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 cho tỉnh Sơn La để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.
Nội dung kiến nghị còn có phân bổ 5.457,739 tỷ đồng (357,739 tỷ đồng + 5.100 tỷ đồng) Kế hoạch Đầu tư công ngân sách Trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để các đơn vị phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn hằng năm theo quy định tại Điều 53, Luật Đầu tư công.
Thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành tăng 5,2% so với cùng kỳ nhờ động lực từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (tăng 8,9%). Tăng trưởng đầu tư tư nhân tiếp tục duy trì xu hướng tăng yếu (4,2%), thấp hơn 9,1 điểm % bình quân giai đoạn 2015 - 2019, trong đó có nguyên nhân do cung ứng vốn đầu tư từ khu vực ngân hàng tăng chậm.
Đến ngày 5/4, tín dụng tăng thấp (0,95%) trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Vấn đề tiếp theo được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ năm 2024 tăng cao. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây), trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.
“Đáng lưu ý, theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2024, có khoảng gần 52% (khoảng 65.700 tỷ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh toán khi các tổ chức phát hành bị lỗ, liên quan đến các vụ án hoặc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Tại phiên họp toàn thể ngày 8/5/2024 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đề nghị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024).
Luật này sẽ thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành (Luật số 69/2014/QH13).
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; thực hiện nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Nguồn: TBKTVN