Quay lại

Đầu tư Việt - Lào đi vào chiều sâu

Thành quả

Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 4 này, Dự án Sân bay Nọng-khang, do Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đầu tư xây dựng tại tỉnh Hủa-phăn (Lào) sẽ chính thức được khánh thành và bàn giao Chính phủ Lào. Đây là dự án mà Chính phủ hai nước Việt Nam và CHDCND Lào rất quan tâm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, nhằm đưa sân bay đầu tiên tại Hủa-phăn đi vào vận hành, qua đó thúc đẩy giao thương và kinh tế - xã hội tỉnh Hủa-phăn, cũng như tình hữu nghị Việt - Lào.

Trong khi đó, theo dự kiến, đầu tháng 5 tới, Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, bò thịt của Vinamilk tại Xiêng-khoảng sẽ có những sản phẩm sữa đầu tiên để vận chuyển về Việt Nam. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk từ năm 2019 đã đầu tư vào Công ty TNHH Phát triển Lao-Jagro Xiêng-khoảng bằng thế mạnh tiềm năng của các quốc gia Lào - Nhật Bản - Việt Nam. Lợi thế về thổ nhưỡng ở Lào, công nghệ của Nhật Bản và kinh nghiệm, công nghệ chăn nuôi bò sữa của Việt Nam sẽ giúp thực hiện thành công dự án phát triển chăn nuôi bò sữa ở Xiêng-khoảng.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD, Dự án có quy mô 100.000 con bò, trên diện tích 15.000-20.000 ha. Trong đó, giai đoạn I có quy mô 24.000 con, với vốn đầu tư ban đầu là 120 triệu USD, và sẽ được tăng lên 150 triệu USD. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng Công ty vẫn tiếp tục cố gắng thực hiện công tác đầu tư và thi công dự án như đã đăng ký đầu tư”, lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Lao-Jagro Xiêng-khoảng cho biết.

Đến thăm dự án của Lao-Jagro Xiêng-khoảng vào thời điểm này, dù hiện tại mới được phía Việt Nam cấp chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn trên 66,4 triệu USD, mới thấy hết nỗ lực của Vinamilk. Nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam đã biến một vùng đất đai rộng lớn của Xiêng-khoảng, nơi trước đây để hoang hóa kéo dài, trở thành vùng đất trù phú, với một trang trại bò 8.000 con và một nhà máy sơ chế, bảo quản sữa quy mô lớn.

Trong tổng số 269 lao động đang làm việc tại trang trại bò sữa công nghệ cao đầu tiên tại Lào, có tới 238 lao động là người địa phương. “Số lao động sẽ được tăng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn của Công ty và chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương”, lãnh đạo Công ty Lao-Jagro Xiêng-khoảng nói.

Không chỉ dự án Sân bay Nọng-khang, hay Dự án Chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, nhiều dự án mà doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào đã và đang phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Lào hiện đứng thứ nhất trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 239 dự án, tổng vốn đăng ký 5,36 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan.  

Đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, con số là trên 180 triệu USD, tăng tới 52,5% so với năm 2021. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2023, có 3 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư sang Lào đạt 23 triệu USD. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.

Tích cực gỡ khó, thúc đẩy đầu tư Việt - Lào

Đầu năm 2023, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 45, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022 đã chứng kiến sự chuyển biến tích cực đối với một số dự án đầu tư lớn tại Lào.

“Nhiều dự án đã được cơ quan hữu quan hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Dự án Thủy điện Xê-ca-man 3; Dự án Khai thác, chế biến khoáng sản Alumin của Tập đoàn Việt Phương; Dự án nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải và một số dự án khác…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong đó, sự hồi sinh của Dự án Thủy điện Xê-ca-man 3 và Xê-ca-man 1 được nhắc đến như là một trong những “thành quả ngọt ngào” của nhà đầu tư, cũng như nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án của hai chính phủ Việt - Lào.

Theo thống kê, đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm, trong đó nổi bật là: Công ty Unitel (Viettel), Ngân hàng Lào - Việt, Petrolimex, PV Oil, Xê-ca-man 1, Tập đoàn Cao su Việt Nam… Lũy kế từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp nghĩa vụ thuế cho Chính phủ Lào khoảng 1,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tổng số an sinh xã hội do các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện tại Lào đạt khoảng hơn 100 triệu USD, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa…

Thông tin cho biết, đến nay, 2,7 tỷ USD vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã được giải ngân. Trong đó, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang chờ được giải quyết. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa được gỡ vướng về cơ chế giá điện”, ông Hoàng Minh Thuận, Phó tổng giám đốc VietLao Power, chủ đầu tư các Dự án Thủy điện Xê-ca-man nói.

Hiện nay, giá điện được áp dụng với Xê-ca-man 3, theo hợp đồng được ký từ năm 2006, với giá điện bậc 1 là 4,5 UScent/kWh, cộng thêm trượt giá 2,25% cho sản lượng điện bán về Việt Nam. VietLao Power đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh giá bán điện từ Dự án về Việt Nam theo mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Văn bản số 241/TTg-QHQT, với giá bán điện bình quân cho loại hình thủy điện là 6,95 UScent/kWh. Mức giá này cũng đã được Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào và Ủy ban Hợp tác Lào - Việt đề nghị.

Cùng với đó, VietLao Power còn kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm xem xét quy định nguyên tắc và khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam từ thời điểm ngày 1/1/2026 để tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư Thủy điện Xê-ca-man 4, cũng như các dự án thủy điện khác.

Tại Kỳ họp thứ 45, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, hai bên đã thống nhất và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công thương sớm gỡ vướng về cơ chế giá điện cho Dự án Xê-ca-man, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, nỗi lo của Vinamilk là chưa được bàn giao đầy đủ đất cho dự án để nhanh chóng triển khai. Hơn nữa, Công ty còn lo sẽ gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, xuất khẩu sữa tươi từ Lào về Việt Nam.

“Tại Lào, Công ty Lao-Jagro Xiêng-khoảng là công ty đầu tiên có trang trại bò sữa sản xuất thương mại phục vụ xuất khẩu. Do đó, các thủ tục, quy định và giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Lào chưa phù hợp cho loại hàng hóa, nguyên liệu có tính đặc thù cao như sữa tươi”, lãnh đạo Lao-Jagro Xiêng-khoảng cho biết.

Sau Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, hai bên cũng đã thỏa thuận sẽ tiếp tục phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, như: khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy Alumina tại huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê-kông), Tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa tại tỉnh Xiêng-khoảng; tiếp tục hỗ trợ những dự án mới được phía Lào cấp phép như dự án khai thác mỏ của Cavico tại tỉnh Bô-li-khăm-xay, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (COECCO)... để sớm triển khai, đóng góp vào phát triển kinh tế Lào.

Phát biểu tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị Chính phủ Lào tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng dự án.

Khi các vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ, sẽ có thêm những trái ngọt từ sự hợp tác đầu tư Việt - Lào.

Củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam – Lào

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thăm chính thức nước CHDCND Lào từ ngày 10 đến 11/4.

Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi tin cậy, chân thành và thẳng thắn về các định hướng, biện pháp thúc đẩy tất cả các lĩnh vực hợp tác. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định chính sách nhất quán của hai nước là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, cũng như giữa các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; tăng cường tham vấn về các vấn đề chiến lược; đẩy mạnh trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; rà soát và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác…

Tại hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã công bố món quà trị giá 1 triệu USD của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào anh em.

Sau hội đàm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký và trao đổi 2 văn kiện hợp tác gồm Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Nguồn: Báo Đầu tư