Quay lại

Doanh nghiệp gồng mình tìm cách vượt qua khó khăn

Doanh nghiệp đang rất khó

Doanh nghiệp dệt may đang đối mặt vô vàn khó khăn, khi đơn hàng suy giảm, kéo lùi hoạt động sản xuất, dẫn đến hụt hơi xuất khẩu.

Quý I/2023, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ, xơ sợi còn giảm mạnh hơn, tới 33,9%, tụt xuống mốc dưới 1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải mành cho tới giày dép đã bị “bay hơi” khoảng 3 tỷ USD.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy rõ, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức”.

Các tổ chức quốc tế đánh giá, 2023 sẽ là năm rất khó khăn với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Hiện tại, tồn kho của các hãng vẫn ở mức cao, doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận giảm sâu, những thách thức kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Đối diện với bối cảnh kinh doanh đầy khó khăn, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhiều hơn, dành ngân sách cho chuyển đổi sản xuất để dần tiệm cận chiến lược bền vững trong tương lai .

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas

Có thể nhận thấy rõ điều đó khi nhìn vào doanh thu bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ suy giảm trong 3 tháng đầu năm và chưa thấy dấu hiệu phục hồi trong các tháng tiếp theo. Thị trường nhập khẩu nhiều hàng dệt may Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều sụt giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm cả tỷ USD.

Với các dữ liệu về thị trường không mấy tích cực (sức mua trầm lắng, giá giảm, tồn kho của các nhãn hàng tăng cao), trong khi không thể biết tình hình khó khăn này còn kéo dài bao lâu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

(Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu khẳng định: “Chúng ta đang phải đối mặt với quý II/2023 vô cùng khó khăn”.

Qua cập nhật từ các dự báo, phân tích của các tổ chức trong nước và thế giới, Vinatex tính toán, nhu cầu về hàng dệt may trên thế giới trong năm nay sẽ giảm 6 - 10%, từ 757 tỷ USD còn 712 tỷ USD, thậm chí xuống còn 687 tỷ USD. Như vậy, thế giới sẽ giảm 45 - 70 tỷ USD mua sản phẩm dệt may.

Cầu giảm mạnh, nên chắc chắn, các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn như Việt Nam sẽ chịu tác động trực diện.

Chuyển đổi sản xuất

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu khá nhanh chóng.

Đối mặt với môi trường kinh doanh đang biến động, bất định, phức tạp, lúc này, với các ngành sản xuất, đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn cần linh hoạt ứng phó, tính toán, cân đối lại mô hình sản xuất theo điều kiện mình có, chuẩn hóa các khâu trong quy trình sản xuất, đáp ứng ở mức cao nhất yêu cầu từ các nhà mua hàng.

Ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, chuyển đổi là yêu cầu cấp bách đặt ra lúc này, bởi sức mua suy giảm, nhưng các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU không những không giảm tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu, mà ngược lại, họ tăng thêm tiêu chuẩn, buộc các nhà sản xuất phải tăng tốc thích ứng, nếu không muốn bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.

Đó là các yêu cầu cao hơn về an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đơn cử, việc đưa ra quy định khắt khe về nguồn gốc của sản phẩm như Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023... đặt các doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc phải lên kế hoạch chuyển đổi.

Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng dệt may đã trở thành công cụ để các nhà nhập khẩu yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng, đặc biệt với loại nguyên liệu đầu vào quan trọng như bông. Như vậy, hoạt động sản xuất ngày càng phải minh bạch hóa hơn, rõ ràng ở từng khâu (sử dụng nguyên liệu gì, nhập từ đâu, quá trình sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh như thế nào…), có lưu trữ hồ sơ, chứng từ về mua nguyên liệu…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Chi nhánh Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định cho biết, ngành sợi đang đối mặt với thiếu hụt đơn hàng do cầu thấp, giá sợi cũng giảm. Doanh nghiệp phải nghe ngóng và thận trọng với kế hoạch sản xuất - kinh doanh và điều chỉnh sản lượng, cắt giảm tối đa chi phí kinh doanh có thể cắt giảm, chờ đợi thị trường khởi sắc hơn.

Doanh nghiệp này cũng đặt kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc, từ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này.

Trước yêu cầu ngày càng tăng về phát triển bền vững và minh bạch chuỗi cung ứng, ông Kiều Mạnh Kha, Giám đốc Phát triển bền vững Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) lưu ý, doanh nghiệp cần chuyển đổi và thích ứng nhanh hơn với các tiêu chuẩn cao của các nhà mua hàng.

Một khảo sát từ Chương trình US Cotton Trust Protocol của CCI cho thấy, khoảng 70% thương hiệu và nhà bán lẻ đang chú trọng hơn đến tác động môi trường của các sản phẩm thời trang. Các đối tác đang ngày càng khắt khe hơn về yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay quá trình sản xuất phải ít gây phát thải, tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao nước, ít gây phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nguồn: Báo Đầu tư