Điều gì ngăn Ấn Độ chạy đua kinh tế với Trung Quốc?

Nền kinh tế Ấn Độ đang ở trong giai đoạn bùng nổ và dự kiến tăng trưởng GDP đạt mức 6% trong năm 2024, nhanh hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường đầu tư vào hệ thống sân bay, cầu đường và các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch ở khắp nơi trên đất nước. 

Tuy nhiên, cuộc đua kinh tế của Ấn Độ đang gặp trở ngại khi đầu tư của các công ty không theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Số tiền mà các công ty đầu tư vào hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu trì trệ. Thêm vào đó, nguồn vốn nước ngoài vào quốc gia này cũng đang giảm. 

 
 

Những điều này làm hạn chế khả năng tăng trưởng bền vững của Ấn Độ cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu của chính phủ trong việc bắt kịp Trung Quốc để trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047. Được biết, mức tăng trưởng bền vững cần phải đạt để đáp ứng tham vọng của Ấn Độ là gần 8-9% hàng năm.

Vấn đề đầu tư trì trệ là một thách thức lớn đối với Thủ tướng Narendra Modi. Kể từ năm 2014, ông đặt mục tiêu tập trung biến Ấn Độ thành môi trường đầu tư thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài. Các doanh nghiệp thiếu tự tin đầu tư dẫn đến việc đầu tư dài hạn từ nước ngoài sụt giảm. Mặc dù điều này đưa thị trường chứng khoán Ấn Độ đi lên, nhưng lại làm tăng rủi ro cho nền kinh tế.

Chính phủ Ấn Độ tăng cường cải tạo những con đường ọp ẹp, bến cảng và nguồn cung điện, những hạ tầng vốn từng là trở ngại đối với đầu tư kinh doanh, sau khi nhận được sự hoan nghênh của Ngân hàng Thế giới (WB) về cam kết chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. 

Tuy nhiên, WB cũng nhấn mạnh rằng chỉ đầu tư công thôi là chưa đủ. Để thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp, các nhà hoạch định Ấn Độ cần có những cải cách sâu sắc hơn để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Suốt 9 năm qua, Thủ tướng Narendra Modi đã có những hành động cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Các hệ thống quan trọng của nền kinh tế hoạt động tốt hơn và việc số hoá thương mại đã tạo ra những lĩnh vực mới cho sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e dè khi đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ bởi những rào cản như vấn đề pháp lý chậm chạp. 

Một yếu tố khác cản trở đầu tư dài hạn là điểm yếu cố hữu trong “câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ”. Nguồn cầu mạnh mẽ nhất chính là những người tiêu dùng giàu có. Khoảng 20 triệu người trong 1,4 tỉ dân số của Ấn Độ thuộc nhóm có thu nhập đủ để chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ của châu Âu và có nhu cầu ở trong những căn nhà sang trọng. Trong khi đó, phần lớn dân số còn lại là những người đang phải đối mặt với lạm phát và khó khăn về thu nhập. Điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại việc người tiêu dùng có thể sẽ “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều năm tới.

Chính phủ Ấn Độ tăng cường đầu tư vào hệ thống sân bay, cầu đường và các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Ảnh: NYT.

Chính phủ Ấn Độ tăng cường đầu tư vào hệ thống sân bay, cầu đường và các cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Ảnh: NYT.

Ông Arvind Subramanian, nhà kinh tế học tại Đại học Brown, người từng là cố vấn kinh tế trưởng của Thủ tướng Modi trong giai đoạn 2014-2018, cho biết hiện tại vẫn chưa có gì cho thấy các nhà đầu tư có niềm tin về Ấn Độ. Dẫu vậy, ông vẫn tin rằng mức tăng trưởng hàng năm dưới 6% cũng không có gì đáng lo ngại. Theo ông, cơ sở hạ tầng được cải thiện sẽ thu hút đầu tư tư nhân, qua đó giúp tăng thêm thu nhập cho người lao động tại Ấn Độ.

Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất chính là liệu Ấn Độ có thể giành được thị phần đáng kể trong hoạt động kinh doanh toàn cầu từ tay Trung Quốc hay không. Đơn cử như việc các công ty công nghệ như Apple đang dần chuyển một số chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội ở Ấn Độ. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính Apple sẽ tăng công suất sản xuất iPhone tại Ấn Độ lên 25% vào năm 2025. Như vậy, việc tăng cường sản xuất của Apple có thể tạo ra lợi thế cho Ấn Độ trong cuộc đua kinh tế với Trung Quốc.

Nguồn: Nhipcaudautu