5 lý do để lạc quan về kinh tế Mỹ 2024

Ở thời điểm hiện tại, khả năng Mỹ có được một cuộc “hạ cánh mềm” trong năm 2024 đang lớn hơn bao giờ hết: lạm phát đã giảm nhiều, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3.

“Câu chuyện lớn của năm 2023 là nền kinh tế chưa hạ cánh”, giáo sư Justin Wolfers của Đại học Michigan nói với hãng tin CNN. Ông nhấn mạnh rằng nền kinh tế không chỉ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn vượt qua được những trở ngại lớn khác như chiến tranh Ukraine, cú sốc giá dầu, những đợt bế tắc chính trị ở Washington…

“Đây đều là những cú sốc lớn. Nền kinh tế lẽ ra đã rất tệ”, ông Wolfers nói.

Bước sang năm 2024, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với những thử thách lớn, từ chiến tranh Israel-Hamas cho tới tình trạng đắt đỏ của giá nhà. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có nhiều lý do để lạc quan về nền kinh tế trong năm nay, và đó là những yếu tố đã trở nên rõ ràng hơn so với ở thời điểm 1 năm trước.

LẠM PHÁT XUỐNG THANG

Giới đầu tư và cả các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã kỳ vọng lạm phát sẽ giảm sau khi lập đỉnh 4 thập kỷ vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, ít ai có thể biết trước lạm phát sẽ xuống thang nhanh đến như vậy. Tốc độ tăng hàng năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm còn 3,1% trong tháng 11 vừa qua, từ mức 9,1% vào tháng 6/2022.

Một báo cáo gần đây của nhà kinh tế học Ian Shepherdson nhấn mạnh rằng tốc độ giảm lạm phát như vậy là “đáng kể”. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics dự báo đến cuối năm nay, lạm phát sẽ giảm về gần mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ giảm nhanh là giá xăng đi xuống. Sau khi vọt qua mốc 5 USD/gallon vào năm 2022, giá xăng ở nước này đã giảm mạnh trong năm ngoái. GasBuddy - một ứng dụng về giá xăng ở Mỹ và Canada - dự báo giá xăng bình quân ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 32 tỷ USD tiền mua xăng.

FED CÓ THỂ TUYÊN BỐ CHIẾN THẮNG LẠM PHÁT

Với lạm phát dịu đi, Fed đã tạm dừng việc tăng lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp, sau 11 đợt tăng dồn dập đe doạ đến tăng trưởng kinh tế và khiến nhà đầu tư lo lắng.

Giới chức Fed hiện đang dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Việc Fed giảm lãi suất sẽ đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Zandi cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2024, có thể bắt đầu vào tháng 5. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo việc Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3.

Lãi suất giảm sẽ là một sự giải toả đối với người tiêu dùng Mỹ, vì sẽ làm giảm chi phí của các khoản vay thế chấp nhà, vay mua xe, vay thẻ tín dụng. Lãi suất vay thế chấp nhà ở nước này đã giảm từ mức gần 8% vào tháng 10 xuống còn 6,6% vào cuối năm 2023.

XU HƯỚNG TĂNG ĐIỂM MẠNH CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Lạm phát giảm, nỗi lo suy thoái tan dần, và triển vọng cắt giảm lãi suất đang kích thích giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 đã kết thúc năm 2023 bằng chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp - dài nhất kể từ năm 2004. Chỉ số Nasdaq tăng 43% cả năm, chỉ thiếu chút nữa thì đánh dấu năm tăng mạnh nhất 2 thập kỷ.

Tất nhiên, diễn biến của thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng phản ánh chuẩn xác sức khoẻ của nền kinh tế. Có những năm chứng khoán tăng điểm dù nền kinh tế không thực sự ổn, và ngược lại. Nhưng hiện tại, đà tăng của chứng khoán Mỹ chủ yếu phản ánh triển vọng lạc quan của nền kinh tế, xu hướng giảm của lạm phát, và niềm tin vào một cuộc hạ cánh mềm.

TỶ LỆ THẤT NGHIỆP SIÊU THẤP

Mặc chiến dịch tăng lãi suất của Fed, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện chỉ ở mức 3,7%, gần thấp nhất trong nửa thế kỷ. Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, một chỉ báo về hoạt động sa thải của các nhà sử dụng lao động, đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 218.000 người/tuần. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy các chủ sử dụng lao động không muốn sa thải.

“Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang rất thấp. Hồi chuông cảnh báo chỉ gióng lên khi số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên gần mức 300.000 người/tuần. Chúng ta còn cách con số đó một khoảng cách rất xa”, ông Zandi nhấn mạnh.

Nếu xu hướng này kéo dài, tiêu dùng sẽ được hậu thuẫn, mà tiêu dùng là đầu tàu tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ. “Chừng nào sa thải còn ít, nền kinh tế còn ổn. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn kinh tế như vậy”, vị chuyên gia phát biểu.

TIỀN LƯƠNG TĂNG NHANH HƠN GIÁ CẢ

Trong phần lớn thời gian kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá cả ở nước này tăng nhanh hơn so với tiền lương của người lao động, đồng nghĩa với tiền lương thực tế - sau khi trừ đi lạm phát - suy giảm.

Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu đảo ngược trong thời gian gần đây, với tốc độ tăng của tiền lương đuổi kịp lạm phát. Cả ông Zandi và ông Wolfers đều bày tỏ lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng tiền lương ở Mỹ sẽ được đẩy nhanh trong năm 2024.

“Với lạm phát duy trì ở mức thấp, thu nhập sẽ đuổi kịp và sẽ vượt lạm phát. Mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy mọi thứ tốt lên”, ông Zandi nhấn mạnh.

NHỮNG DỰ BÁO LẠC QUAN CÓ THỂ KHÔNG TRỞ THÀNH HIỆN THỰC

Những các dự báo lạc quan kể trên đều có thể không trở thành hiện thực. Thực tế mấy năm qua cho thấy những dự kiện bất ngờ hoàn toàn có thể xảy đến, như đại dịch hay cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, phá hỏng các dự báo kinh tế tươi sáng. Một sự kiện “thiên nga đen” tương tự, nếu xảy ra, sẽ phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế Mỹ 2024.

“Có cả triệu thứ có thể đi sai hướng. Các cuộc suy thoái kinh tế vẫn xảy ra là vậy”, ông Wolfers phát biểu.

Ông Zandi cho biết đứng đầu danh sách các mối lo kinh tế của ông trong năm 2024 là áp lực đối với hệ thống tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi năm 2023. Một vấn đề khác khiến ông bất an là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Cuộc đua vào Nhà Trắng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sức khoẻ nền kinh tế - vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm. Nhưng mặt khác, kết quả cuộc bầu cử cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Ông Zandi dự báo đây sẽ là một cuộc đua sát nút và gay cấn, đồng thời cảnh báo nếu bên thua không chấp nhận kết quả bầu cử, nền kinh tế sẽ đối mặt nhiều bấp bênh hoặc thậm chí bất ổn xã hội sẽ xảy ra. “Trong trường hợp như vậy, tổn hại sẽ rất lớn đối với cả thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông nói.

Dù vậy, ông Wolfers vẫn hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ sau khi nền kinh tế Mỹ đã trải qua nhiều biến động trong mấy năm qua. “Giấc mơ bí mật của mỗi nhà kinh tế học là hy vọng nền kinh tế sẽ trở nên buồn tẻ. Tôi muốn một năm 2024 mà mọi người đều có việc làm, cảm thấy thoải mái về thu nhập, và không có gì điều gì xấu xảy đến. Những năm qua, đó không phải là câu chuyện của kinh tế Mỹ, do đại dịch mà ra. Nhưng đó có thể chính là câu chuyện của năm tới”, ông nói.

Nguồn: TBKTVN