Giá gạo thế giới lập đỉnh 15 năm, bức tranh lương thực toàn cầu gây lo ngại

Giá gạo - lương thực chính của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi - đã tăng lên mức cao nhất 15 năm do nhu cầu tăng, một số nước hạn chế xuất khẩu, và nguồn cung giảm sút do thời tiết bất lợi.

Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đến tuần này đã có tuần tăng thứ ba liên tiếp, đạt mức 659 USD/tấn, so với mức giá dao động từ 653-657 USD/tấn của gạo Việt Nam cùng loại - theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.

Đây là mức giá cao nhất của gạo Thái Lan kể từ tháng 10/2008 và cao hơn gần 38% so với thời điểm đầu năm nay. Báo giá tại nhiều trung tâm xuất khẩu gạo khác ở châu Á thậm chí đã tăng 40-45% trong năm nay, hãng tin Reuters cho hay.

NGUYÊN NHÂN GIÁ GẠO TĂNG CAO

Theo giới chuyên gia, có hai nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới tăng mạnh trong năm nay: Một là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và hai là thời tiết khô hạn ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo ở nhiều quốc gia. Hai yếu tố này dẫn tới tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường gạo toàn cầu, và giá gạo tăng như một hệ quả tất yếu.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã chứng kiến sản lượng gạo suy giảm do lượng mưa ít do hiệu ứng El Nino. Nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát giá lương thực, quốc gia đông dân nhất thế giới đã đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023 và dự kiến duy trì hạn chế này cho tới ít nhất giữa năm 2024. Không chỉ hoành hành ở Ấn Độ, El Nino - hiện tượng thời tiết với lượng mưa ít và những giai đoạn khô hạn kéo dài - cũng ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo lớn khác như Indonesia và Thái Lan.

“Giá gạo cao lẽ ra khuyến khích nông dân trồng nhiều lúa gạo hơn, nhưng đang có những mối lo về nguồn nước do mực nước tại các hộ dự trữ giảm xuống thấp. Tình trạng này có thể gây giảm sản lượng gạo. Ấn Độ và Thái Lan sẽ chứng kiến sản lượng lúa gạo giảm trong quý 1 năm nay. Đối với Indonesia, mực nước của các hồ dự trữ để cung cấp cho vụ gieo trồng trong mùa khô 2024 cũng đã giảm mạnh do thời tiết khô hạn”, nhà phân tích Peter Clubb của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ở London nhấn mạnh.

Ở Mỹ, nhiều bang trồng lúa gạo như Arkansas, California và Louisiana có thể giảm diện tích dành cho nông sản này trong năm 2024 do nhiều nông dân có thể chuyển sang trồng đậu tương.

Trong khi đó, việc giá gạo tăng mạnh năm nay đã thúc đẩy nhiều quốc gia tăng cường mua gạo để dự trữ vì lo ngại nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa do El Nino.

Chẳng hạn, Indonesia đã ký thoả thuận mua 2 triệu tấn gạo từ Thái Lan trong năm 2024, và mua 1 triệu tấn gạo nữa của Ấn Độ. Philippines cũng đã ký thoả thuận nhập 500.000 tấn gạo trong trong thời gian từ tháng 12/2023 đến hết tháng 2/2024. Tuy nhiên, thương mại gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 được dự báo sẽ giảm do nhu cầu mua yếu hơn của các nước châu Á và châu Phi.

Trong bối cảnh Ấn Độ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo, Thái Lan được cho là sẽ có ít gạo dư để xuất khẩu hơn. “Giữa lúc thị trường vắng bóng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam được cho là sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu gạo toàn cầu. Giá gạo vì thế sẽ càng nhạy cảm hơn với điều kiện thời tiết ở hai quốc gia này”, một báo cáo của công ty nghiên cứu BMI nhận định.

AN NINH LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU BẤP BÊNH

Hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2024, đặt ra rủi ro đối với nguồn cung không chỉ gạo mà cả các loại lương thực-thực phẩm khác như lúa mì, ngô, đậu tương, dầu cọ…Trong bối cảnh như vậy, giá lương thực thế giới có nguy cơ leo thang, gây thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, cũng như có thể kéo tụt mức sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Sau mấy năm tăng mạnh, giá lúa mì, ngô và đậu tương đang tiến tới hoàn tất một năm giảm trong 2023, khi các nút thắt xuất khẩu nông sản trên Biển Đen được tháo gỡ và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Dù vậy, giới phân tích và các nhà giao dịch nói rằng các mặt hàng lương thực này vẫn có nguy cơ xảy ra cú sốc nguồn cung trong năm 2024.

“Bức tranh nguồn cung ngũ cốc đã được cải thiện trong năm 2023 với sản lượng lớn hơn tại một số nơi sản xuất chủ chốt. Nhưng thế giới vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về lương thực”, ông Ole Houe - giám đốc công ty tư vấn và môi giới nông nghiệp IKON Commodities ở Sydney - nói với hãng tin Reuters. “Hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới ít nhất tháng 4-5/2024. Brazil chắc chắn sẽ sản xuất ít ngô hơn, còn Trung Quốc đang khiến thị trường ngạc nhiên vì tăng cường gom mua lúa mì và ngô trên thị trường quốc tế”.

Vụ lúa mì tới của Ấn Độ cũng đang bị đe doạ bởi thời tiết khô hạn. Tình trạng này có thể buộc quốc gia tiêu thụ lúa mì nhiều thứ hai thế giới này phải nhập khẩu lúa mì lần đầu tiên trong 6 năm do lượng tồn kho lúa mì tại các nhà kho quốc gia đã giảm xuống mức thấp nhất 7 năm.

Ở Australia - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới - vụ gieo trồng lúa mì bắt đầu vào tháng 4 tới có thể diễn ra trong điều kiện thời tiết thiếu mưa. Năm nay, khô hạn cao điểm đã gây thiệt hại sản lượng lúa mì của Australia, chấm dứt chuỗi 3 năm bội thu.

Mối lo về sự suy giảm nguồn cung lúa mì từ các quốc gia trên có thể khuyến khích các nước nhập khẩu lúa mì tăng cường nhập từ các nguồn khác ở Bắc Mỹ, châu Âu và vùng Biển Đen. “Tình hình nguồn cung lua mì trong niên vụ 2023-2024 có thể sẽ xấu đi so với niên vụ trước, vì lượng xuất khẩu của các nước sản xuất lúa mì lớn có thể giảm mạnh”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.

Có một tin tốt là sản lượng ngô, lúa mì và đậu tương của khu vực Nam Mỹ được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2024, dù thời tiết biến động ở Brazil khiến một số chuyên gia nghi ngờ.

Sản lượng dầu cọ toàn cầu cũng có khả năng giảm trong năm 2024 do thời tiết El Nino, đặt ra khả năng giá dầu ăn tăng sau khi giảm hơn 10% trong năm nay. Dự báo sản lượng dầu cọ giảm được đưa ra bên cạnh dự báo nhu cầu dầu cọ tăng để sản xuất dầu diesel sinh học và dầu ăn.

“Lượng tồn kho ngũ cốc và các loại hạt lấy dầu đang thắt chặt nếu xét trên tiêu chuẩn lịch sử. Bán cầu Bắc có thể sẽ phải trải qua tình trạng El Nino mạnh trong đúng vụ gieo trồng lần dầu tiên kể từ năm 2015. Đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá, và nhu cầu lương thực toàn cầu sẽ quay trở lại với xu hướng tăng trong dài hạn. Giá lương thực toàn cầu năm tới nhiều khả năng sẽ tăng hơn là giảm”, một báo cáo của CoBank - một ngân hàng chuyên cho vay nông nghiệp ở Mỹ - nhận định.

Nguồn: TBKTVN