Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam

Theo văn bản của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ quan này vừa nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA), về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.

Vì vậy, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) kể từ ngày 14/2/2024.

Đồng thời, các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường, giảm 42% so với năm 2022.

Năm 2023, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi từ Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022. Trong đó, Hà Lan đóng góp gần 1 nửa tổng xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang thị trường EU. Năm 2023, lũy kế xuất khẩu cá tra sang Hà Lan đạt hơn 1 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022.

Đứng sau EU, Mỹ là quốc gia tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023, giảm 71% so với năm 2022, cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích của người tiêu dùng tại Mỹ.

Trung Quốc hiện nay là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ. Hiện, cá rô phi Việt Nam khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang một số thị trường khác cũng chứng kiến tăng trưởng âm như: Nhật Bản giảm 62%, Bỉ giảm 56%, Ý giảm 38%, Anh giảm 85%...

Nhận định về tình hình xuất khẩu, VASEP cho biết ngành hải sản cũng như thủy sản nói chung đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như chiến tranh, xung đột ở Nga – Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt.

Ngoài ra, riêng với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ xuất khẩu vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.

Dù vậy, theo VASEP nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, kỳ vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD. 

Tháng 1/2024, Trung Quốc – Hong Kong đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật. Riêng mặt hàng tôm và cá tra Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Nguồn: TBKTVN