Chuyển đổi số trong nông nghiệp: “Đưa chợ về vườn”

Chiều 14/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì hội nghị.

GẦN 50.000 SẢN PHẨM NÔNG SẢN ĐƯỢC ĐƯA LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số.

Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Chu Khôi.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Chu Khôi.

Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để “giải mã” những khái niệm chuyên ngành chuyển đổi số trong nông nghiệp, phân biệt giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, những giải pháp căn bản và cụ thể cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một tập hợp các dịch vụ công đã được tích hợp lên cùng một nền tảng công nghệ chung để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn.

“Chuyển đổi số đến với bà con nông dân cần các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác, giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội để kết nối tiêu thụ nông sản. Chuyển đổi số sẽ giúp “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về phát triển dữ liệu, thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai...

Trong lĩnh vực Thủy lợi, đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh, sản xuất và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

Đối vỡi lĩnh vực trồng trọt, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng… góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.

Trong chăn nuôi, một số trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm… Công nghệ IoT, Blockchain, tin sinh học đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.

Với ngành thủy sản, đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase trong khai thác thủy sản để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển. Công nghệ IoT đã được ứng dụng trong đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động 24/24; đo độ mặn của sông, cho biết thời điểm xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chuyển đổi số sẽ giúp “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng". Ảnh: Chu Khôi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chuyển đổi số sẽ giúp “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng". Ảnh: Chu Khôi.

Về tiêu thụ nông sản, đã có trên 600 HTX nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Đến nay, đã có hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn Thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến hết tháng 4/2024 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ: chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7-25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

CHUYỂN ĐỔI SỐ CẦN ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp gặp phải các khó khăn, vướng mắc.

Một là, hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin. Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.

Hai là, Nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ba là, thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện về: Cơ sở hạ tầng nền tảng; phần mềm nền tảng, dùng chung; cơ sở dữ iệu liên thông, chia sẻ, tích hợp...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Công nghệ thông tin; ban hành Luật Dữ liệu, Luật Chuyển đổi số để bảo đảm hành trang pháp lý đồng bộ cho chuyển đổi số. Đối với Chính phủ, về ngắn hạn cần sớm xây dựng, hướng dẫn phương án triển khai thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo khung pháp lý cho phép các chương trình, dự án đầu tư, phát triển ứng dụng các công nghệ số mới trong từng ngành, lĩnh vực chưa được quy định bởi pháp luật.

Song song với quá trình ban hành các Luật của Quốc hội, dề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời để áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ảnh: Chu Khôi

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ảnh: Chu Khôi

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang Trần Lưu Quang biểu dương, trân trọng về những nỗ lực, kết quả, cố gắng của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số. Đặc biệt, những nông dân, doanh nghiệp đã tham gia vào chuyển đổi số rất hào hứng và thực sự làm được rất nhiều việc; góp phần vào những bứt phá, kỳ tích của ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua.

"Cần xác định thứ tự ưu tiên trong việc làm cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin phải là đầu mối triển khai trên cơ sở nguồn dữ liệu từ ngành nông nghiệp. Chuyển đổi số phải đơn giản, dễ hiểu để mọi nông dân đều có thể làm theo được”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra những vướng mắc, hạn chế chung là thể chế phát triển nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, còn một số hạn chế như: hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu; số hóa dữ liệu trong nông nghiệp cực kỳ nhiều nhưng tổng hợp, thống kê, kết nối đạt tỷ lệ chưa cao; thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là chuyển đổi số còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu ngành nông nghiệp phải tập trung cải cách thủ tục hành chính; phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp; phải làm hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu này kết nối được với nhau, tạo sự thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận. Ngành nông nghiệp phối hợp với Bộ Công an đẩy nhanh việc định danh hệ thống tàu thuyền để góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Nguồn: TBKTVN