Dịch chuyển sản xuất: Việt Nam có thế mạnh gì so với Ấn Độ?

Tuy nhiên, một bài viết của hãng tin CNBC cho rằng, để đạt mục tiêu đó, Ấn Độ trước tiên cần vượt qua Việt Nam bằng cách giảm thuế và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi chiến lược “friendshoring” - khuyến khích các công ty Mỹ, nhất là trong lĩnh vực hàng điện tử và công nghệ, dịch chuyển khỏi Trung Quốc để sang các quốc gia có quan hệ thân thiện với Mỹ. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam và Ấn Độ đã trở thành hai điểm đến nổi bật cho các công ty Mỹ trong sự dịch chuyển này.

“Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà của Mỹ đều xem Trung Quốc là một thách thức. Mỗi doanh nghiệp Mỹ đều đặt ra câu hỏi về chiến lược giảm rủi ro với Trung Quốc”, Chủ tịch kiêm CEO Mukesh Aghi của Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn nói với CNBC.

Ấn Độ và Việt Nam đều là những lựa chọn hấp dẫn về địa chỉ sản xuất đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, một phần do chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang dẫn trước với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 96,99 tỷ USD, so với  mức 75,65 tỷ USD của Ấn Độ.

ƯU THẾ VỀ THUẾ NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM

“Việt Nam được biết đến với năng lực sản xuất thiết bị điện tử. Ấn Độ chỉ mới tham gia vào cuộc chơi, nên Việt Nam đang lợi thế cạnh tranh”, CEO Samir Kapadia của công ty India Index kiêm Giám đốc công ty Vogel Group nhận định với CNBC.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ ngày càng nồng ấm, nhất là sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6 năm ngoái. Về phần mình Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại và đầu tư với Mỹ từ năm 2007.

Theo ông Gahi, một lợi thế quan trọng khác của Việt Nam là cấu trúc hành chính đơn giản hơn so với Ấn Độ  - quốc gia “có 29 bang và mỗi bang có chính sách có thể không giống nhau”.

“Việt Nam ở ‘cửa trên’ khi nói đến lợi thế kinh tế dựa vào quy mô sản xuất với lao động thủ công là chủ yếu”, ông Nari Viswanathan - Giám đốc cấp cao về chiến lược chuỗi cung ứng tại công ty phần mềm Coupa - phát biểu. Trong khi đó, ông Viswanathan nhấn mạnh rằng các lĩnh vực đòi hỏi nhiều lao động thủ công và có tỷ suất lợi nhuận thấp như sản xuất hàng may mặc “sẽ không tạo được động lực” cho Ấn Độ.

Các hãng công nghệ lớn của Mỹ đang ngày càng dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Ấn Độ. Tháng 12 năm ngoái, tờ báo Anh Financial Times đưa tin Apple đã thông báo với các nhà cung cấp linh kiện rằng hãng sẽ lấy pin từ các nhà máy ở Ấn Độ cho chiếc iPhone 16 sắp ra mắt. “Táo khuyết” đã cân nhắc việc mở rộng hoạt động tại quốc gia Nam Á này từ năm 2016, khi CEO Tim Cook có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Google cũng chuẩn bị bắt đầu sản xuất điện thoại Pixel ở Ấn Độ vào quý 2 năm nay.

Theo CNBC, một trở ngại đối với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của Ấn Độ là thuế nhập khẩu 10% của nước này đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Theo ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý quỹ VinaCapital, mức này cao hơn thuế nhập khẩu trung bình khoảng 5% của Việt Nam.

Mức thuế nhập khẩu của Ấn Độ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng việc giảm thuế này sẽ là một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm thu hút các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại nước này.

“Năm 2024 sẽ là năm mà Thủ tướng Modi giảm thuế nhập khẩu, nhưng ông ấy sẽ làm việc này theo từng ngành chứ không phải theo từng quốc gia”, ông Kapadia nhận định.

Chẳng hạn, Ấn Độ vào tháng 1 đã giảm thuế nhập khẩu từ 15% xuống 10% đối với một số sản phẩm linh kiện kim loại và nhựa được sử dụng trong sản xuất điện thoại di động. Điều đó mang lại lợi ích cho các công ty như Apple và Dixon Technologies - nhà sản xuất điện thoại cho các hãng Xiaomi, Samsung và Motorola.

VẤN ĐỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG

“Với thế mạnh của Việt Nam về sản xuất điện tử và xuất khẩu sang Mỹ, đó sẽ là những lĩnh vực mà Ấn Độ sẽ tập trung cố gắng sớm nhất để chiếm thị phần. Họ sẽ giảm thuế cho tất cả các loại nhựa, linh kiện kim loại và các mặt hàng cơ khí”, ông Kapadia dự báo.

Một bài đăng trên LinkedIn của ông Pankaj Mahindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ, xuất khẩu đồ điện tử của Ấn Độ sang Mỹ đạt 6,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm ngoái, tăng mạnh so với 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, ông Ho của VinaCapital cảnh báo rằng việc giảm thuế nhập khẩu “không phải là nguồn lợi thế bền vững trong việc thu hút đầu tư FDI về lâu dài”. “Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng quan tâm hơn là các vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tính linh hoạt trong việc tuyển dụng và sa thải lao động, hơn là thuế và thuế quan. Đây là nguồn lợi thế lâu dài chủ yếu của Việt Nam so với Ấn Độ”, ông Ho nói với CNBC.

Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2047 nhưng cơ sở hạ tầng của nước này vẫn còn yếu kém, dẫn đến thời gian vận chuyển và giao hàng kéo dài.

“Một con tàu chở hàng cập cảng Singapore có thể được dỡ hàng trong vòng 8 giờ và hàng được đưa lên xe tải chở đến nhà máy, nhưng một con tàu tương tự ở Ấn Độ sẽ kẹt ở hải quan trong nhiều ngày”, ông Aghi nói, cảnh báo rằng sự chậm trễ này có thể làm suy giảm sức hấp dẫn của Ấn Độ đôi với các công ty nước ngoài.

Ông nói thêm: “Trung Quốc có lẽ đi trước Ấn Độ 10 ​​năm về cơ sở hạ tầng, vì vậy Ấn Độ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cơ sở hạ tầng phát triển”.

Kế hoạch ngân sách sách tạm thời của Ấn Độ ước tính Chính phủ liên bang sẽ chi 2,55 nghìn tỷ rupee (30,7 tỷ USD) để cải thiện hệ thống đường sắt toàn quốc.

“Ấn Độ đang đi đúng hướng về hiện đại hóa hệ thống hậu cần để tăng cường các mô hình chuỗi cung ứng theo yêu cầu dành cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Kế hoạch này tính đến tất cả các loại đường xá và cảng mới. Tôi nghĩ đó sẽ là ưu tiên của Ấn Độ trước tự động hóa”, ông Kapadia nhận định.

Nguồn: TBKTVN