Thế giới đối mặt kỷ nguyên tăng thuế

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ thu ngân sách từ thuế so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng lên mức cao kỷ lục ở một số nền kinh tế lớn gồm Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số tiền thuế tăng thêm trị giá hàng trăm tỷ USD là một sự bổ sung quan trọng cho quốc khố của các chính phủ đang đứng trước một loạt nhu cầu chi tiêu mới, từ quân sự cho tới chính sách công nghiệp.

Một bài báo của tờ Wall Street Journal nhận định điều này khẳng định xu hướng chính phủ lớn - một xu hướng hình thành từ đại dịch Covid-19 và được thúc đẩy bởi các mối lo an ninh quốc gia trong một thế giới của chia rẽ địa chính trị gia tăng, cũng như nhu cầu chăm sóc dân số già hóa và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Tại Mỹ, tổng lượng thu thuế tại tất cả các cấp chính phủ đã tăng lên mức tương đương gần 28% GDP trong năm ngoái, từ mức 25% vào năm 2019 và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1965, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Vào cuối những năm 1990 (thế kỷ XX), Mỹ đã chuyển từ thâm hụt ngân sách sang thặng dư ngân sách nhờ tăng thuế, hạn chế chi tiêu và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Ở Pháp và Đức, thu thuế đã tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm GDP từ năm 2019 dù vốn dĩ đã ở mức cao, lên mức tương ứng 46% và 39% GDP. Ở cả hai quốc gia này, tỷ lệ thuế so với GDP đang ở mức cao nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1965. Mới đây, Chính phủ Đức công bố một loạt biện pháp tăng thuế năng lượng và cắt giảm chi tiêu nhằm cân bằng ngân sách năm tới.

XU HƯỚNG TĂNG TỶ LỆ THU THUẾ SO VỚI GDP

Ở châu Á, nơi thuế và chi tiêu cho phúc lợi xã hội từ lâu luôn thấp hơn ở châu Âu, tỷ lệ thuế so với GDP cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tiến gần đến ngưỡng của châu Âu. Số liệu mới nhất của Nhật Bản là từ năm 2021.

Việc tỷ lệ thu ngân sách từ thuế so với GDP tăng lên đồng nghĩa thuế đang tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, phản ánh vai trò gia tăng của chính phủ trong nền kinh tế. Các nhà kinh tế học nói rằng xu hướng này có khuynh hướng gây áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình và hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, vì một phần lớn hơn trong thu nhập của người dân và doanh nghiệp phải dùng cho việc đóng thuế, gây rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.

Cho tới hiện tại, nhiều chính phủ tăng thu thuế mà chưa cần phải tăng thuế suất. Thay vào đó, lượng thuế thu được tăng lên nhờ lạm phát cao đẩy giá cả và tiền lương tăng lên, khiến nhiều người đóng thuế bị đẩy vào nhóm chịu mức thuế suất cao hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng việc tăng thuế thực sự có thể sắp diễn ra ở một số nền kinh tế phát triển gồm Đức và Anh.

Xu hướng tăng của thu ngân sách từ thuế có thể sẽ tiếp tục khi chi phí vay nợ gia tăng xung đột với nhu cầu chi tiêu công ngày càng lớn, từ ngân sách quân sự đến phúc lợi cho người cao tuổi và chống biến đổi khí hậu - theo ông Kurt van Dender, một quan chức thống kê thuế của OECD. “Vai trò gia tăng của chính phủ trong nền kinh tế là điều khó tránh khỏi ở thời điểm này”, ông nói.

Chính phủ ở các nền kinh tế phát triển hiện đang chi tiêu thêm khoảng 2 điểm phần trăm GDP so với ở thời điểm năm 2019, tức là khoảng 41% GDP so với 39% GDP trước khi xảy ra đại dịch - theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo IMF, thu ngân sách của chính phủ được dự báo tăng lên mức 32% GDP ở Mỹ vào năm 2027, từ mức 30% vào năm 2019. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ trọng của thu ngân sách so với GDP sẽ tăng lên vì các biện pháp giảm thuế thời Tổng thống Donald Trump sẽ hết hạn sau năm 2025. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đã cam kết sẽ chặn tất cả các nỗ lực tăng thuế, còn Đảng Dân chủ hứa sẽ chặn bất kỳ việc tăng thuế nào đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Một khi Đảng Dân chủ không nắm quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, việc tăng thuế ở Mỹ khó có thể trở thành hiện thực.

TĂNG THUẾ, LỰA CHỌN KHẢ QUAN DUY NHẤT?

Ngoài tăng thu thuế, các chính phủ cũng đang đẩy mạnh việc vay vốn từ thị trường trái phiếu. Tại các nền kinh tế phát triển, nợ chính phủ đang dao động quanh ngưỡng 112% GDP, từ mức 104% GDP vào năm 2019 và có thể còn tiếp tục tăng - theo dữ liệu từ IMF. Với lãi suất tăng lên, việc vay nợ mới và đảo nợ các khoản vay cũ trở nên tốn kém hơn.

Theo một phân tích của IMF dựa trên dữ liệu từ Công ty tư vấn nghiên cứu Teal Insights, các chính phủ trên toàn cầu sẽ chi ròng 2 nghìn tỷ USD để trả lãi nợ công trong năm nay, tăng hơn 10% so với năm 2022. Đến năm 2027, số tiền lãi có thể vượt 3 nghìn tỷ USD.  “Thời kỳ lãi suất siêu thấp có vẻ đã lùi lại phía sau”, nhà kinh tế học Dirk Schumacher của Ngân hàng Pháp Natixis phát biểu.

Điều này có nghĩa là các nước giàu ra khỏi đại dịch với số nợ công và thâm hụt ngân sách lớn có thể sẽ không còn lựa chọn khả quan nào khác ngoài việc phải tăng thu ngân sách từ thuế. “Cơn khát” tiền của các chính phủ phản ánh một sự dịch chuyển khỏi sự đồng thuận định hướng thị trường vốn giữ vai trò thống trị ở phương Tây từ khoảng thập niên 1980 (thế kỷ XX). Sự đồng thuận này nhấn mạnh việc giảm bớt sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp, loại bỏ các quy chế giám sát gây cản trở cạnh tranh và tự do hóa thương mại.

Tại khối Eurozone gồm 20 quốc gia, chi tiêu chính phủ sẽ lên tới mức tương đương một nửa GDP trong năm nay. Ở Mỹ, chi tiêu chính phủ đang ở mức 38% GDP, một tỷ lệ cao hơn so với trước đại dịch.

Nguồn: TBKTVN