Quay lại

Gói kích cầu của Trung Quốc chỉ có tác dụng “câu giờ”?

Ngày 25/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng công bố một trong những chiến dịch chính sách táo bạo nhất của nước này trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Nhưng giới phân tích nhận định rằng gói kích cầu vừa được đưa ra sẽ không thể giải quyết triệt để các vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đương đầu.

Được coi là một liều adrenaline mạnh tay đối với nền kinh tế đang ngấp nghé bờ vực giảm phát, chương trình nói trên bao gồm một loạt biện pháp mà các chuyên gia trong nhiều tuần qua đã kêu gọi Bắc Kinh triển khai. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng thêm vốn trong hệ thống ngân hàng, khuyến khích người mua nhà, và cân nhắc mở một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày, với chỉ số CSI 300 ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng tăng theo tin tức khả quan từ Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomg, phản ứng của thị trường với gói kích cầu mới cho thấy ông Phan, một nhà kỹ trị từng theo học ở Đại học Harvard và Đại học Cambridge, đã mang lại cho nền kinh tế chút thời gian quý báu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là một “khoản đặt cọc” nếu Bắc Kinh thực sự muốn đưa nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD khỏi nguy cơ rơi vào một thời kỳ suy giảm tăng trưởng kéo dài dưới áp lực của khủng hoảng bất động sản, giá tiêu dùng yếu và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

GÓI KÍCH CẦU CÒN THIẾU SÓT

“Tôi không cho là gói chính sách này đủ để giải quyết các vấn đề cốt lõi phía sau việc Trung Quốc trượt dần vào một vòng xoáy giảm phát”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Duncan Wrigley của công ty Pantheon Macroeconomics nhận định. Ông Wrigley cho rằng điều mà Trung Quốc cần là “một gói những biện pháp cải cách để định hình lại một cách căn bản nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng”.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng cuộc họp báo của Thống đốc Phan vào ngày thứ Ba được sắp xếp gấp rút trong vòng chỉ 48 giờ trước đó, và diễn ra sau nhiều tuần giới chức Chính phủ Trung Quốc ngày càng lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách cấp cao đã tiến hành nhiều cuộc họp kín để thảo luận về nền kinh tế, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng chính thức của năm nay ngày càng vượt khỏi tầm tay - theo nguồn tin.

Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là cảnh báo từ giới chức của ít nhất một tỉnh duyên hải lớn - một địa phương có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn quốc - rằng tỉnh này khó đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay, một nguồn tin tiết lộ.

Trung Quốc bất ngờ tung ra gói kích cầu lớn trong bối cảnh các ngân hàng lớn từ Goldman Sachs cho tới UBS trong những tuần gần đây lần lượt cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, sau khi nền kinh tế này phát đi loạt số liệu đáng báo động về tình trạng suy yếu của giá cả.

Với gói kích cầu mới, Bloomberg Economics và nhiều tổ chức dự báo khác giờ đây dự báo Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế cũng nhất trí rằng Bắc Kinh cần hành động nhiều hơn để tránh nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát ăn sâu kiểu Nhật Bản. Một thiếu sót lớn của gói kích cầu chính là một chiến lược nhất quán để thúc đẩy 1,4 tỷ dân Trung Quốc tăng cường chi tiêu.

“Phần lớn các vấn đề của Trung Quốc là những vấn đề liên quan tới nhu cầu và niềm tin”, nhà quản lý danh mục Nigel Peh của công ty Timefolio Asset Management nhận định với Bloomberg. “Nhìn chung, tôi không cho là các biện pháp vừa được đưa ra sẽ giải quyết được vấn đề, bởi các vấn đề của Trung Quốc là rất phức tạp. Không có một giải pháp đơn giản nào xử lý được tất cả”.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA CÓ VÀO CUỘC?

Sau khi PBOC đã hành động mạnh mẽ hơn so với những gì được kỳ vọng, tâm điểm của sự chú ý giờ đây hướng tới Bộ Tài chính Trung Quốc. Cơ quan này có thể tung ra các biện pháp tài khóa trong những ngày tới tại kỳ họp thường niên của Bộ Chính trị.

Dù đương đầu với sức ép từ Mỹ và các đối tác thương mại khác muốn Trung Quốc kích thích tiêu dùng và cân bằng lại nền kinh tế theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào sản xuất, Bắc Kinh vẫn muốn tránh phát tiền trực tiếp cho dân.

Phát tiền cho dân vốn là một công thức chính sách phổ biến để kích thích nhu cầu ở nhiều quốc gia, nhưng Trung Quốc lo ngại về sự tốn kém của chính sách này. Chưa kể, với việc Trung Quốc là nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, giới chức lo ngại rằng người dân vẫn thắt lưng buộc bụng ngay cả khi được phát tiền.

Vì lý do này, thị trường đặt hy vọng vào việc Bắc Kinh có thể tăng ngân quỹ cho việc mua lại nhà tồn, tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội và tăng cường khuyến khích người dân đổi thiết bị gia dụng cũ lấy mới. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng có thể hối thúc các địa phương phát hành thêm trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ở Trung Quốc hiện nay cũng đang nổi lên một cuộc thảo luận về việc có nên phá vỡ “luật bất thành văn” là giữ thâm hụt tài khóa ở mức khoản hoặc thấp hơn 3% GDP và duy trì tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP ở mức dưới 60%. Chính phủ Trung Quốc nên tăng mạnh chi tiêu tài khóa cho giáo dục, chăm sóc y tế và an sinh xã hội - theo Phó giám đốc Xu Qiyuan của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu nhà nước.

“Dù các biện pháp chính sách nới lỏng luôn đi kèm với tác dụng phụ, có một bài học mà chúng ta nên học từ Nhật Bản là tác dụng phụ đó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chính sách nới lỏng không được thực thi hay trì hoãn. Trung Quốc không nên bị ràng buộc bởi các lý thuyết tài chính lỗi thời ở Mỹ và châu Âu”, ông Xu nhấn mạnh.

SỰ MINH BẠCH MỚI CỦA PBOC

Tuy muốn các biện pháp kích cầu sẽ cải thiện niềm tin trong khu vực tư nhân, nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc có vẻ lại làm điều ngược lại. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã mở chiến dịch kiềm chế sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ vốn hóa lớn như Alibaba hay lên án lối sống hào nhoáng của giới nhân viên tài chính.

Trong những tháng gần đây, đã có ít nhất 3 nhà ngân hàng đầu tư cấp cao tại các công ty chứng khoán khác nhau bị bắt giữ, bên cạnh 5 nhân viên và cựu nhân viên của hãng dược phẩm Anh AstraZeneca, theo Bloomberg. Mối lo về sự an toàn của các nhà điều hành và nhân viên, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đang khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng với Trung Quốc.

“Có vẻ như chúng tôi vẫn còn cách rất xa đến chỗ thực sự đầu tư vào thị trường bất động sản Trung Quốc”, Giám đốc đầu tư bất động sản châu Á-Thái Bình Dương Hamish MacDonald của công ty BlackRock nhận định khi được hỏi về tác động của gói kích cầu mà Trung Quốc vừa công bố.

“Tôi muốn xem liệu dòng vốn nước ngoài có chảy vào thị trường hay không, và cả dòng vốn trong nước nữa. Ở thời điểm hiện tại, không có nhiều khách mua ở cả hai hạng mục này”, ông MacDonald phát biểu.

Trong cuộc họp báo ngày 24/9, ông Phan và các quan chức khác chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, và không hề đề cập đến “giảm phát” - một từ mà giới chức Trung Quốc muốn kiểm duyệt.

Dù vậy, việc Thống đốc PBOC có một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp trên truyền hình để công bố động thái chính sách, đưa ra một số định hướng cho thời gian tới và trả lời câu hỏi của báo chí đã cho thấy một sự thay đổi lớn. Dưới thời các thống đốc trước, PBOC thường công bố các quyết định chính sách lớn trong các tuyên bố được đăng trên website. Đôi khi, tài liệu đi kèm sẽ đưa ra thông tin nền, với nhận định hoặc tuyên bố của “cán bộ hữu quan”.

Đối với một số nhà đầu tư, sự minh bạch mới này cho thấy tinh thần cấp bách của Bắc Kinh trong việc chặn lại một thời kỳ sụt giảm kéo dài đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông mất hơn 6 nghìn tỷ USD vốn hóa kể từ sau khi lập đỉnh vào năm 2021.

“Điều khiến thị trường ngạc nhiên là định hướng rõ ràng và nguồn vốn từ PBOC trở thành một phương thức thanh khoản chắc chắn để hỗ trợ thị trường chứng khoán”, trưởng tư vấn chứng khoán Linda Lam của ngân hàng Union Bancaire Privee ở Hồng Kông nhận xét. “Thị trường vốn của Trung Quốc sẽ được hưởng một thời kỳ trang mật thanh khoản ngọt ngào. Trung Quốc đang ‘câu giờ’ để có thời gian quyết những vấn đề tăng trưởng nằm sâu hơn”.

Nguồn: TBKTVN