Gucci và các thương hiệu xa xỉ khác “ngấm đòn” kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Tuần vừa rồi, sự giảm tốc ở Trung Quốc đã giáng một đòn vào Gucci - một trong những thương hiệu xa xỉ lớn nhất và có mức độ phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường tỷ dân.

Tập đoàn Pháp Kering SA - chủ sở hữu Gucci - mất 9 tỷ USD vốn hoá thị trường sau khi cảnh báo doanh thu từ thương hiệu này tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong quý 1. Sự giảm tốc tương tự cũng bắt đầu hiện rõ ở những nơi khác trong ngành hàng xa xỉ.

CÚ SỐC GUCCI

Một báo cáo khác cho thấy xuất khẩu đồng hồ Thuỵ Sỹ sang Trung Quốc - một thị trường đồng hồ hạng sang hàng đầu thế giới - đã giảm mạnh trong tháng 2. Giới phân tích dự báo nhu cầu hàng xa xỉ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhiệt trong năm nay.

Loạt tin tức ảm đạm trên là bằng chứng mới nhất cho thấy kỳ vọng về một làn sóng mua sắm đồ hiệu ở Trung Quốc hậu Covid-19 đã không trở thành hiện thực. Một số hãng đồ hiệu như Prada hay Hermes vẫn cố gắng để đạt được kết quả kinh doanh ở Trung Quốc tốt hơn so với đối thủ, nhưng phần đông đang buộc phải nghĩ lại về chiến lược tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc này bắt đầu với Kering.

“Tôi đã không mua chiếc túi Gucci nào mới suốt mấy năm nay”, Wu Xiaofang - một nhân viên ngân hàng 34 tuổi ở Thượng Hải - tiết lộ. Wu từng “đắm đuối” Gucci đến nỗi mua một lúc 3 chiếc túi của thương hiệu này trong chuyến du lịch tới Italy vào năm 20216. “Thiết kế mới của Gucci chán quá”, cô nhận xét.

Wu thuộc một thế hệ người tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc đang ngày càng trở nên kén chọn hơn trong việc tiêu tiền. Tỷ lệ thất nghiệp tăng và cuộc khủng hoảng bất động sản đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc suy giảm niềm tin. Cùng với đó, áp lực giảm phát làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Ngưỡng để hấp dẫn được người tiêu dùng Trung Quốc bỏ tiền vào hàng hiệu vì thế cũng tăng lên. Gucci đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong doanh số bán hàng online ở Trung Quốc trong những tháng gần đây, bao gồm trên website chính thức của hãng và trên sàn thương mại điện tử Tmall - nguồn thạo tin tiết lộ.

Sabato De Sarno, người trở thành Giám đốc sáng tạo của Gucci vào năm ngoái, đã đi theo hướng tăng cường chủ nghĩa tối giản trong sản phẩm, thay vì tung ra những thiết kế khoa trương như người tiền nhiệm Alessandro Michele. Còn quá sớm để kết luận những mẫu thiết kế tinh giản của De Sarno có nhận được phản hồi tốt từ thị trường Trung Quốc hay không, vì các thiết kế này mới chỉ xuất hiện tại các cửa hiệu trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo nhà tư vấn thời trang Mark Liu, một số khách hàng có thể cho rằng những thiết kế mới của Gucci thiếu sự khác biệt so với trước và dễ bị lẫn với sản phẩm của các thương hiệu khác như Valentino, Prada hay Celine.  

Gucci từ lâu là một trong những thương hiệu biến động nhất trong ngành thời trang xa xỉ. Vận may của Gucci trồi sụt theo sức hấp dẫn của các nhà thiết kế như Michele và một Giám đốc sáng tạo trước đó là Tom Ford. Điều này khiến Kering trở nên dễ tổn thương trước sự thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng, một phần do Gucci chiếm tới khoảng một nửa doanh thu và hơn 2/3 lợi nhuận của công ty mẹ.

Có vẻ như Gucci “đã tự biến mình thành một thương hiệu thời trang đường phố trong một khoảng thời gian, rồi lại cố gắng quay trở lại vị thế thương hiệu cao cấp. Hiện tại tôi không biết Gucci muốn hướng tới mục tiêu nào”, Wu nhấn mạnh.

Hôm 19/3, Kering khiến nhà đầu tư sửng sốt khi tuyên bố doanh thu của Gucci giảm gần 20% trong quý 1 này, dẫn đầu là sự sụt giảm tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Giá cổ phiếu Gucci giảm 12% trong phiên ngày hôm đó, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong 3 thập kỷ.

Sự giảm tốc ở thị trường Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến các thương hiệu xa xỉ khác chứ không riêng gì Gucci. Năm 2023, các thương hiệu Rolex, Hermes, Chanel và Louis Vuitton đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu hai con số ở Hồng Kông, một điểm đến được ưa chuộng của người mua sắm Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số đã bắt đầu giảm từ tháng 10 - nguồn thạo tin cho hay. Trong tháng 1 năm nay, giá đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng ở Hồng Kông giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong ngành hàng xa xỉ, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi tâm trạng của người tiêu dùng Trung Quốc là các hãng đồng hồ Thuỵ Sỹ. Xuất khẩu đồng hồ Thuỵ Sỹ sang Trung Quốc trong tháng 2 năm nay giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu được Liên đoàn Công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ công bố vào tuần trước. Xuất khẩu đồng hồ Thuỵ Sỹ sang Hồng Kông giảm 19%.

CÁC HÃNG ĐỒ HIỆU KHÔNG MUỐN
"BỎ HẾT TRỨNG VÀO MỘT GIỎ"

“Đang có một sự giảm tốc”, CEO Nick Hayek của Swatch Group AG, công ty sở hữu các thương hiệu đồng hồ gồm Omega và Tissot, phát biểu. Trung Quốc chiếm 1/3 doanh thu của công ty này trong năm 2023.

Theo ông Hayek, người mua sắm Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tới các cửa hiệu của Swatch nhưng lưỡng lự hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. “Họ có tiền, nhưng họ thận trọng hơn về việc khi nào thì tiêu và tiêu vào đâu”, ông nói.

Mối lo ngại về sự giảm tốc của ngành hàng xa xỉ không chỉ hiện hữu ở thị trường Trung Quốc. Trong chuyến công tác châu Á gần đây, nhóm phân tích thị trường hàng hiệu của ngân hàng HSBC do ông Erwan Rambourg dẫn đầu đã nhận thấy tình hình nhu cầu ở Trung Quốc đang ảm đạm, nhưng sự thất vọng cũng đến từ các thị trường khác như Hồng Kông, Macau và Singapore. Du khách Trung Quốc đến những thị trường này với số lượng lớn, nhưng lại không chi tiêu mạnh tay như trước - nhóm phân tích cho biết.

Một số thương hiệu có thể buộc phải giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tăng trưởng doanh thu hàng xa xỉ ở Trung Quốc năm nay được dự báo giảm về quanh ngưỡng 5%, so với mức tăng 12% đạt được trong năm 2023 - theo một báo cáo từ công ty tư vấn Bain & Co. Báo cáo cho rằng mức tăng trưởng này sẽ chủ yếu có được bởi chi tiêu của các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI - những người có tài sản có thể đầu tư từ 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,4 triệu USD, trở lên).

Theo ông Angelito Perez Tan Jr. CEO công ty tư vấn ngành đồ hiệu RTG Group Asia, một số thương hiệu xa xỉ đang cân nhắc lại chiến lược tại châu Á để tìm kiếm sự tăng trưởng mới bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông được xem là những thị trường có tiềm năng tốt trong dài hạn - ông Tan cho biết.

“Nhìn chung, các thương hiệu xa xỉ đã nhận thấy rằng một vài trong số họ đã quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đã đến lúc họ thấy không thể để hết trứng vào một giỏ”, ông Tan nói.

Nguồn: TBKTVN