Việt Nam - Hà Lan hợp tác chuyển đổi ngành nông nghiệp bền vững

Chiều 19/3/2023 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu. Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn 70 công ty và tổ chức Hà Lan gồm 140 doanh nhân đến Việt Nam từ 18 đến 21/3/2023.

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam và Hà Lan có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Hà Lan đã có nhiều dự án triển khai hiệu quả và ý nghĩa như dự án nước sạch tại khu vực Đồng băng sông Cửu Long. Các chuyên gia Hà Lan cũng đã giúp tư vấn xây dựng tầm nhìn chiến lược cho Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vựa lúa trọng điểm của Việt Nam đang chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Việt Nam và Hà Lan có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp". 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Việt Nam và Hà Lan có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp". 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn sự hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ trở nên ngày càng sâu sắc và được nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới. Trong đó, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác để huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư, tài trợ, đối tác phát triển nhằm chung tay thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác của Việt Nam như Tây Nguyên và phía Bắc.

Bộ trưởng cũng đề xuất Hà Lan hỗ trợ Việt Nam về hệ thống kho lạnh, logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản, đặc biệt tại Cần Thơ để hình thành trung tâm trung chuyển, kết nối cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là hướng Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm cung ứng nông sản thực phẩm bền vững cho Hà Lan và EU.

Bên cạnh đó, đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo thực phẩm cho vùng Đông Nam Á và 100 triệu nông dân canh tác phát thải thấp. Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Lan phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị quốc tế năm 2023 về hệ thống thực phẩm tại Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và xung đột tại nhiều nơi làm đứt gãy nguồn cung ứng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc đến vấn đề hỗ trợ kĩ thuật, thu hút đầu tư, ODA và các mô hình canh tác thuận thiên, nông nghiệp sinh thái để tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Về phía Hà Lan, bà Christianne van der Wal, Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ, cho biết Hà Lan mong muốn có cơ hội để gặp gỡ và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau. 

Qua 10 năm hợp tác đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực giữa hai nước, Bộ trưởng Christianne van der Wal đánh giá hai bên dù khác nhau về vị trí địa lý song chia sẻ nhiều đặc điểm chung như cùng nằm trên lưu vực sông, đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và cùng xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp ra thế giới.

Bà Christianne van der Wal: "Hai nước có thể hợp tác để giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao hơn".

Bà Christianne van der Wal: "Hai nước có thể hợp tác để giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao hơn".

Bà Christianne van der Wal bày tỏ vui mừng khi nhìn thấy những kết quả tích cực trong sản xuất lương thực thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức của người dân liên quan đến sản xuất bền vững đang ngày một nâng cao.

“Hai nước có thể hợp tác để giúp nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao hơn và đáp ứng được yêu cầu từ những thị trường khắt khe như EU. Hà Lan cũng sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu chiến lược và trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới”, bà Christianne van der Wal nhấn mạnh.

Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ mong muốn hợp tác hai bên sẽ tích cực hơn trong nhiều lĩnh vực, trong đó giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long duy trì là vựa lúa chất lượng, xây dựng hệ thống kết nối logistics, ngành nông nghiệp… để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm trong khu vực song vẫn đảm bảo về vấn đề sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường.

Theo bà Christianne van der Wal, đoàn công tác của Hà Lan lần này gồm đại diện 70 công ty và tổ chức Hà Lan, với 140 doanh nhân đến Việt Nam từ 18 đến 21/3/2023. Dẫn đầu chuyến công tác, ngoài bà Christianne van der Wal, còn có ông Mark Harbers - Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước; và bà Ingrid Thijssen - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Người sử dụng lao động Hà Lan.

Các lĩnh vực trọng tâm của đoàn công tác là công nghệ về nước và quản lý nước, nông nghiệp thực phẩm canh tác, logistics xanh và thông minh. Những cuộc gặp gỡ kinh doanh song phương sẽ diễn ra trong chuyến công tác tại Hà Nội và TP.HCM.

Nhân dịp này, nhiều sự kiện gặp gỡ và hội thảo khác cũng được 2 bên tổ chức nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại. Không chỉ ở tại TP.HCM và Hà Nội, đoàn doanh nghiệp Hà Lan cũng đến với Hải Phòng và Lâm Đồng để tăng cường khả năng hợp tác.

Chiều 19/3/2023 tại khách sạn Intercontinental,  Hà Nội, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tổ chức hội thảo “Cùng hướng tới hệ thống thực phẩm bền vững”.

Dự kiến vào ngày 21/3, Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam-Hà Lan sẽ được tổ chức tại TP.HCM, tại đây sẽ có khoảng 20 hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước sẽ được ký kết.

Nguồn: TBKTVN