Hội nghị xúc tiến hợp tác hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới Trùng Khánh (Trung Quốc) – Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)
Vào ngày 24/9/2024, Hội nghị xúc tiến hợp tác hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới Trùng Khánh (Trung Quốc) – Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) chính thức diễn ra tại TP.HCM, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai địa phương.
Hội nghị là sự kiện trong khuôn khổ hội nghị Đối thoại Thành phố Hồ Chí Minh 2024 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/9. Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng Trùng Khánh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và Trùng Khánh trong những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2018. Trong đó, thương mại và logistics luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác của hai bên.
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, hành lang thương mại quốc tế mới đường bộ - đường biển, với tuyến kết nối từ Trùng Khánh đến TP.HCM không chỉ là một dự án thương mại chiến lược mà còn là cầu nối quan trọng giữa hai địa phương. Đây là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, phát triển giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của cả hai bên trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và các chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng phức tạp.
Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh Trịnh Hướng Đông cho biết, những năm gần đây, Trùng Khánh đã phát huy đầy đủ vai trò là trung tâm tổ chức vận tải và logistics, kết nối các tỉnh khu vực phía Tây Trung Quốc và các nước ASEAN, phía Bắc kết nối với thị trường lớn ở châu Âu thông qua chuyến tàu Trung - Âu; phía Nam mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, thúc đẩy con đường trở thành một đại lộ quốc tế toàn diện phủ sóng phía Tây, phục vụ toàn quốc, kết nối với ASEAN và hòa nhập với toàn cầu. Hiện nay, con đường đã hình thành ba mô hình tổ chức logistics chính: chuyến tàu liên vận đường sắt - đường biển, xe chuyến xuyên biên giới và chuyến tàu liên vận quốc tế, kết nối trong nội địa với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) Trung Quốc, đồng thời, tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, thành quả xây dựng đạt được đã vượt ngoài mong đợi, thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.
Việt Nam hiện là một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng, với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và lớn thứ năm trên thế giới.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước. Với dân số gần 10 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, TP.HCM là một thị trường rộng lớn, hết sức tiềm năng cho doanh nghiệp. Đây cũng là thành phố hạt nhân, cực tăng trưởng của Khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm TP.HCM và 6 tỉnh; GRDP của Thành phố chiếm khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam Bộ), được trang bị đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố kết nối tốt hơn trong trục hành lang trong khu vực và quốc tế.
TP.HCM hiện đang có kế hoạch xây dựng Đề án “Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành Trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực” và Khu phi thuế quan tại huyện Cần Giờ; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khi đó, Trùng Khánh, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, là trung tâm kinh tế chiến lược khu vực Tây Nam Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" cũng như Vành đai Kinh tế sông Dương Tử. Với hệ thống giao thông phát triển và kết nối chặt chẽ, Trùng Khánh là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới Trùng Khánh – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thúc đẩy phát triển giao thương và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước mở rộng thị trường. Việc hợp tác này không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn tăng cường khả năng đổi mới, chia sẻ công nghệ và nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng.
TP.HCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để hợp tác thương mại và logistics giữa hai địa phương phát triển mạnh mẽ. Sự hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn hơn, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Hội nghị xúc tiến ngày hôm nay là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Văn phòng Cảng và Hậu cần và Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc - Tiểu hội đồng Trùng Khánh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cùng Sở Ngoại vụ TP.HCM. Chắc chắn rằng với sự quyết tâm và cam kết của hai bên, hành lang thương mại này sẽ mang lại những thành công to lớn và góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trùng Khánh và TP.HCM trong tương lai.
(Tổng hợp theo vneconomy.vn; dangcongsan.vn; hcmcpv.org.vn)