Hợp tác Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long: Kết quả giai đoạn 2016 – 2022 và phương hướng đến năm 2025

Nhiều kết quả tích cực

- Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...

- Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, mục tiêu phát triển của các địa phương, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP.HCM đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

- Các doanh nghiệp của TP.HCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của TP.HCM có được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.

- Bước đầu các sở, ngành của các địa phương đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Quan điểm phát triển chương trình

1. Quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển từng địa phương, vùng. Liên kết phát triển để tạo lập không gian kinh tế chung cho phát triển kinh tế của toàn Vùng để phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của các tỉnh trong Vùng. Trên cơ sở phối hợp có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà Vùng có lợi thế, tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả Vùng như: hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

2. Phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

3. Nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.

4. Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch biển, đảo, văn hóa, truyền thống ngày càng hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; làm tốt công tác liên kết giữa các vùng miền tạo điều kiện để phát triển du lịch biển, đảo, văn hóa, truyền thống; khai thác tài nguyên du lịch biển, đảo một cách hợp lý.

5. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phương hướng phát triển chương trình đến năm 2025

1. Công tác quy hoạch

Hợp tác trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 20/02/2022 về phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp xây dựng và triển khai quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của 02 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, TP.HCM giữ vai trò là cầu nối giữa các vùng kinh tế.

2. Về giao thông vận tải

- Hợp tác cùng đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể:

+ Đường bộ (các tuyến vành đai, quốc lộ và đường cao tốc kết nối, đường bộ ven biển);

+ Đường thuỷ (hệ thống kết nối sông Sài Gòn, Vàm Cỏ; kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia);

+ Đường sắt (triển khai theo quy hoạch; tập trung nghiên cứu và đề xuất xây dựng tuyến đường sắt giữa TP.HCM và thành phố Cần Thơ, nghiên cứu mạng lưới đường sắt kết nối vùng, phát triển TOD).

3. Về hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp

- Phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy, hải sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong Vùng giai đoạn 2022 - 2025.

- Tiếp tục phát triển các chuỗi mới và mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn đã xây dựng; đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và phối hợp xử lý trường hợp vi phạm theo quy định.

- Phối hợp trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

4. Về lĩnh vực du lịch

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 2080/KH-UBND ngày 23/6/2021 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025.

5. Về phát triển nguồn nhân lực

- Tiếp tục hợp tác đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học; liên kết đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật trình độ cao.

- Phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của các địa phương để tổ chức đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học tạo nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng.

- Trao đổi phối hợp trong công tác đổi mới và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động đào tạo, dạy học và tự học; phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nguồn học liệu điện tử, công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về các kỹ năng cần thiết về dạy học trực tuyến; phát triển các mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh.

- Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc mở rộng ngành nghề đào tạo mới; trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động.

6. Lĩnh vực chuyển đổi số

Hợp tác phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu Vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

7. Lĩnh vực an sinh xã hội

- Phối hợp, hỗ trợ trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phối hợp trong việc rà soát, xác minh, bổ sung thông tin hồ sơ người có công; trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý hồ sơ đối tượng, trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công.

- Phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo; thường xuyên trao đổi, hợp tác trong việc hỗ trợ đột xuất cho đối tượng là người dân gặp khó khăn; chia sẻ, giới thiệu, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM hỗ trợ về công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các tình, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác quản lý, giáo dục đối tượng cai nghiện ma túy.

8. Một số lĩnh vực khác

Ngoài các nhiệm vụ, lĩnh vực hợp tác trọng tâm nêu trên, các tỉnh trong Vùng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phát triển các lĩnh vực đã phát huy được những kết quả đáng kể trong thời gian qua như: lĩnh vực công thương; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực môi trường; lĩnh vực du lịch; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; lĩnh vực y tế; lĩnh vực thông tin truyền thông; lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư.

Các chương trình hợp tác song phương

Tại Hội nghị ngày 11/3, Lãnh đạo các bên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai các chương trình hợp tác song phương, cụ thể:

1. Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ: hỗ trợ thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.

2. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Bến Tre: kiến nghị Trung ương đầu tư để đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông; huy động nguồn lực xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ (tại Bến Tre); triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát trở thành Khu lưu niệm và mở rộng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4) giai đoạn 2; phối hợp khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre; đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics; chú trọng phát triển kỹ thuật sơ chế, đóng gói, xử lý sau thu hoạch và chế biến sâu các sản phẩm nông sản; xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa hai địa phương; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế của tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho các bệnh viện nhằm nâng cao năng lực khám, điều trị bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

3. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Long An: xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa 02 địa phương; liên kết phát triển hạ tầng giao thông; triển khai Khu liên hợp Môi trường xanh.

4. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Tiền Giang: đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa giao thương hai chiều theo tuyến cố định bằng phà biển; xây dựng Trung tâm thu mua nông sản tại Tiền Giang; phát triển du lịch; hợp tác giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh với các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Tháp: thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hợp tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y tế; thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và y tế; vận động các nguồn lực xã hội hóa cho an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

6. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Vĩnh Long: chuyển giao mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững; phát triển dịch vụ, công nghệ bảo quản nông sản và dịch vụ logistics; phát triển hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; xúc tiến đầu tư về thương mại, du lịch; triển khai chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

7. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh An Giang: xây dựng Đề án thành lập không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung; Đề án phát triển Trung tâm đầu mối ở An Giang; hợp tác chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu về phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng).

8. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Hậu Giang: kết nạp Khu Công nghệ số tỉnh tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung; đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics, chế biến nông sản; xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

9. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Bạc Liêu: hợp tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y tế; hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh quảng bá giới thiệu tiềm năng nhằm thu hút nhà đầu tư; xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

10. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Cà Mau: xây dựng Trung tâm đầu mối ở Cà Mau gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển; xây dựng trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia; hỗ trợ xây dựng thành phố Cà Mau thành trung tâm tổng hợp chuyên ngành tại khu vực bán đảo Cà Mau; hỗ trợ mời gọi, xúc tiến đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng.

11. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Trà Vinh: đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics, nhà máy chế biến sản phẩm nông, thủy, hải sản xuất khẩu; phát triển du lịch sinh thái biển; chuyển giao kỹ thuật kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

12. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Kiên Giang: phát triển hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; chia sẻ kinh nghiệm việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, giáo dục nghề nghiệp;  đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

13. Thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Sóc Trăng: xây dựng hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

NGUỒN: PTT ITPC