Kinh tế thế giới và những thách thức cho cuộc hạ cánh mềm

Dự báo tăng trưởng toàn cầu nhích nhẹ

Khi giới tinh hoa tài chính thế giới tập trung tại Washington để tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nước G20 vào tuần tới, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lạm phát dai dẳng, lãi suất và mức nợ cao cũng như những rủi ro địa chính trị làm rung chuyển thị trường từ Kiev tới Tel Aviv.

Bloomberg Economics cho rằng nhận kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay xuống còn 2,9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 12/2023, điều mà người ta gọi là "một lối thoát quan trọng", nhưng vẫn "thấp hơn rất nhiều" so với tốc độ trước đại dịch Covid-19.

Bà Kristalina Georgieva, người vừa được tái bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc IMF, đã ra tín hiệu rằng quỹ này cũng sẽ tăng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu được công bố vào ngày 16/4 tới, so với mức dự báo tăng trưởng 3,1% như hiện này. Đồng thời, người đứng đầu IMF cũng cảnh báo rằng thế giới đang hướng tới "một thập kỷ ảm đạm và đáng thất vọng".

Giới đầu tư sẽ theo sát những diễn biến xung quanh các cuộc họp lần này giữa IMF, WB và các nước G20 và quan điểm của các quan chức tham dự.

Các diễn giả hàng đầu sẽ phát biểu theo lịch trình bao gồm: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Jeremy Hunt và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh.

Tình hình chính trị hiện nay đã gây trở ngại lớn cho G20 trong các cuộc họp gần đây và nhóm này có thể sẽ vẫn không giải quyết được những rủi ro khiến các thành viên của mình chia rẽ.

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba trong khi xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas ở Dải Gaza có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Theo Bloomberg, Iran hôm 13/4 đã phóng hơn 200 tên lửa đạn đạo và hành trình và tấn công bằng máy bay không người lái chống lại Israel trong bối cảnh căng thẳng leo thang đáng kể.

Điều đáng lo ngại là chiến sự Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas đều xoay quanh một số nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất thế giới, khiến giá năng lượng tăng cao hơn và điều này càng làm phức tạp thêm những nỗ lực chống lạm phát.

IMF đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phân mảnh do yếu tố địa chính trị của nền kinh tế toàn cầu. Sự chia rẽ rất rộng giữa một bên là Mỹ và Liên minh châu Âu và một bên là Trung Quốc và Nga.

Khi được hỏi về sự biến động địa chính trị, Tổng giám đốc IMF cho rằng: "Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa vì đó là một thế giới đa dạng hơn". "Và đó là một thế giới mà chúng ta đã chứng kiến sự khác biệt, không chỉ về vận may kinh tế mà còn về các mục tiêu".

Trọng tâm thảo luận của giới tinh hoa tài chính trong tuần tới cũng sẽ bàn về vấn đề nợ nần trầm trọng ở một số thị trường mới nổi, vốn đã lạm dụng vốn rẻ trong gần hai thập kỷ. Giờ đây, các nước nghèo đang phải vật lộn để giành lại khả năng tiếp cận vốn khi các chủ nợ đấu tranh để giành phần tham gia.

Ngoài ra, số liệu kinh tế Trung Quốc, lạm phát và tiền lương ở Anh cũng như ngân sách của Canada cũng là những nội dung chính sẽ được các quan chức tài chính thảo luận kỹ lượng.

Đón đợi số liệu kinh tế của Mỹ và Canada

Mỹ dự kiến sẽ công bố doanh số bán lẻ vào ngày 15/4 và các nhà kinh tế dự đoán mức tăng doanh số bán lẻ sẽ vừa phải bởi người tiêu dùng vẫn khá thận trọng. Số liệu doanh số bán lẻ không tính đến tác động của lạm phát và chủ yếu phản ánh mức chi tiêu cho hàng hóa.

Dữ liệu tháng 3 về mức mua sắm được điều chỉnh theo lạm phát, bao gồm cả chi tiêu cho dịch vụ dự kiến công bố vào cuối tháng sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về nhu cầu của hộ gia đình Mỹ.

Trong số các dữ liệu về nhà ở được công bố tuần tới, giới phân tích cho rằng hoạt động xây dựng nhà tại Mỹ đã ổn định trở lại vào tháng 3 sau mức tăng trưởng vững chắc trong tháng 2. Các nhà phát triển nhà ở đã tận dụng lượng hàng tồn kho ít ỏi trên thị trường để bán lại trong năm qua.

Doanh số bán nhà sẵn có ở Mỹ được dự đoán sẽ sụt giảm trong tháng 3 do lãi suất thế chấp và giá nhà tăng cao tiếp tục hạn chế nhu cầu người mua. Sau một thời gian ngắn giảm xuống dưới 7%, lãi suất thế chấp cố định trung bình 30 năm đã tăng cao hơn do kỳ vọng Fed sẽ không nhanh chóng giảm lãi suất.

Còn tại Canada, số liệu lạm phát tháng 3 dự kiến công bố vào ngày 16/4 có thể chỉ ra rằng giá xăng tăng nhẹ. Các số liệu lõi sẽ được xem xét kỹ lưỡng, trong đó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem đang tìm kiếm đà giảm bền vững của lạm phát trước khi cắt giảm lãi suất.

Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland sẽ công bố kế hoạch ngân sách cùng ngày 16/4. Bà Freeland đã công bố nhiều hạng mục có giá trị lớn đồng thời cam kết duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 40 tỷ đô la Canada (tương đương 29,2 tỷ USD).

Tâm điểm kinh tế châu Á dồn về Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc sẽ là điểm thu hút sự quan tâm của giới kinh tế trong tuần tới khi tổng sản phẩm quốc nội quý I dự kiến được công bố vào ngày 16/4 có khả năng cho thấy quốc gia này đang đi đúng hướng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng chính thức 5% cho năm 2024.

Trung Quốc được kỳ vọng đạt tăng trưởng 5% trong quý I và kết quả này vẫn sẽ hỗ trợ cho công tác điều hành chính sách nhiều hơn. Tuy vậy, mức tăng trưởng được kỳ vọng đó vẫn thấp hơn mức tăng 7,5% mà Goldman Sachs dự báo.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc được cho là chậm lại trong tháng 3, còn doanh số bán lẻ giữ ổn định. Trong khi đó, đà sụt giảm đầu tư bất động sản ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Ở những nơi khác, lạm phát tiêu dùng ở Nhật Bản có thể đã chậm lại trong tháng 3 xuống còn 2,7%, đánh dấu tròn hai năm lạm phát duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra. Nhật Bản cũng dự kiến công bố số liệu thống kê thương mại và con số này được dự báo sẽ chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này vẫn ổn định.

New Zealand được dự đoán sẽ ghi nhận giá cả các mặt hàng trong quý I tăng lên so với kỳ trước, còn Australia được cho là có tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong tháng 3.

Những con số đáng chú ý của châu Âu, Trung Đông, châu Phi

Nổi bật trong các số liệu kinh tế khu vực châu Âu sắp tới sẽ là số liệu của Vương quốc Anh. Số tiền lương trong báo cáo giá tiêu dùng được công bố trong vài ngày tới sẽ được các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh xem xét kỹ lưỡng, những người đang cân nhắc thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Lạm phát lõi của Anh (không bao gồm giá các mặt hàng biến động mạnh như năng lượng) vẫn có khả năng đạt mức trên 4% và kết quả tăng trưởng tiền lương tại nước này có thể còn cao hơn dự báo.

Doanh số bán lẻ của Anh cũng sẽ được công bố vào cuối tuần tới, điều này có thể phản ánh được sức mạnh của người tiêu dùng Anh tại thời điểm nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sản xuất công nghiệp dự kiến công bố vào ngày 15/4 sẽ là dữ liệu đang được đón đợi, bởi mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 2 được cho là không bù đắp được sự sụt giảm của tháng trước.

Dữ liệu từ Israel có thể sẽ cho thấy lạm phát của nước này vẫn ở mức thấp khi tăng nhẹ lên 2,6% vào tháng 3, từ mức 2,5%, do cuộc chiến chống lại Hamas tiếp tục gây ra sụt giảm tiêu dùng trong nước.

Còn tại Nam Phi, lạm phát dự kiến công bố ngày 17/4 được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức 5,4% trong tháng 3, thấp hơn chút so với mức 5,6% của tháng trước do chi phí nhiên liệu cao hơn.

Nhìn chung, tâm điểm chú ý sẽ tập trung vào phía bên kia Đại Tây Dương, nơi gần như tất cả các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của khu vực đều có mặt tại Washington để tham dự cuộc họp của IMF.

Nguồn: TBKTVN