Kinh tế Trung Quốc chưa dễ trông cậy vào những gã khổng lồ công nghệ

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 vừa được các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent Holdings Ltd, Alibaba Group Holding Ltd và JD.com Inc... công bố không quá tệ, dù diễn biến giá cổ phiếu cho thấy giới đầu tư không lấy làm ấn tượng với những con số này. 

Các công ty công nghệ vẫn chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong quý II/2023, tuy nhiên nguồn gốc tăng trưởng mới là vấn đề khiến các thành viên thị trường trăn trở.

Trong quý II/2023, các cuộc sa thải quy mô lớn tiếp tục diễn ra. Alibaba giảm hơn 17.000 việc làm trong năm 2022, đưa số lượng nhân sự xuống mức thấp nhất kể từ trước đại dịch. Đồng thời, Công ty giảm 26% ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong quý II - trong khi đây là bộ phận tạo nên động lực tăng trưởng trong dài hạn. 

Tựu chung, nhờ giảm nhân sự và giảm chi phí R&D, Alibaba đưa chi phí chung và chi phí quản lý xuống thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó giúp tăng trưởng lợi nhuận.

Tencent cũng có hành động tương tự. Công ty giảm 6.000 nhân sự tại trụ sở chính, giảm chi phí quản lý 3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Diễn biến này có phần đáng lo ngại hơn thông thường, bởi các doanh nghiệp công nghệ, mạng xã hội, trò chơi điện tử… không cắt giảm nhân sự để tạm thời ứng phó với các biến động xấu của thị trường, mà thực tế là chuyển hướng chiến lược.

“Chúng tôi hiện tại đã có văn hoá khác, tập trung vào cắt giảm chi phí và duy trì hiệu suất. Văn hoá này sẽ tiếp tục duy trì", Giám đốc chiến lược Tencent James Mitchell chia sẻ.

Sau hơn một thập kỷ tăng trưởng nhanh và tuyển dụng ồ ạt, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trở thành cỗ máy “hấp thụ" lượng lớn nhân sự văn phòng tại quốc gia này. Kỹ sư, kế toán và nhân sự ngành kinh tế lấp đầy các văn phòng quy mô lớn, trong khi lực lượng vận chuyển, môi giới… làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ lượng khách hàng của lĩnh vực công nghệ.

Khi doanh thu tăng trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp trở nên giàu có và lực lượng nhân sự công nghệ cũng nhận mức lương thưởng hậu hĩnh, bao gồm lương, cổ phiếu thưởng, các chính sách ưu đãi mua nhà, mua xe, du lịch, mua sắm.. 

Vậy nhưng, tới thời điểm đảo chiều, khi nhà quản lý siết chặt hoạt động kiểm soát, các công ty như Alibaba, Tencent và hệ thống công ty liên kết đối diện môi trường hoạt động khó khăn hơn. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp này bị buộc phải lùi bước tại các thị trường kinh doanh mà mình đã khai phá, từ đó lợi nhuận chịu tổn thương nặng nề. 

Đi kèm với đó, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tại quốc gia này không thể tìm được việc làm tại lĩnh vực công nghệ mà trước đó còn là tương lai đầy hứa hẹn. Tỷ lệ thất nghiệp tại người trẻ (độ tuổi từ 16-24 tuổi) tại Trung Quốc liên tục leo dốc, đạt 21,3% vào tháng 6/2023, theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia. Số liệu thất nghiệp ở nhóm người trẻ sau đó đã bị tạm ngừng công bố. 

Nền kinh tế Trung Quốc cần các doanh nghiệp công nghệ chung sức, nhưng nhóm này chưa sẵn sàng. Lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ đang tập trung vào phát triển sản phẩm, cắt giảm chi phí, không còn quay lại thời kỳ tuyển dụng mạnh mẽ và có nhiều chính sách cổ vũ khách hàng đại chúng. Trong khi đó, điều nhà quản lý muốn là các gã khổng lồ công nghệ tiếp tục “chi tiêu", đầu tư và tuyển dụng.

Nguồn: Báo Đầu tư