Kỳ vọng vào năm 2024, Indonesia lập một quỹ du lịch trị giá 64 triệu USD
Để kích thích tăng trưởng trong các lĩnh vực du lịch và kinh tế sáng tạo, Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đã tổ chức cuộc khảo sát với sự tham gia của 84 chuyên gia và lãnh đạo từ các học viện, chính phủ và trong ngành với chủ đề "Triển vọng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo 2023/2024". Dựa trên khảo sát, 76,19% chuyên gia tin rằng điều kiện du lịch ở Indonesia hiện đang trong quá trình phục hồi.
Hầu hết các chuyên gia (46,15%) đều tin rằng quá trình phát triển các điểm đến du lịch chất lượng và sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của ngành du lịch. Mặt khác, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành du lịch ở Indonesia. Từ vai trò của công nghệ hỗ trợ việc đi lại dễ dàng (43,59%), tăng thu nhập của khách du lịch nội địa (38,46%) đến mở rộng cơ sở hạ tầng, đường bay quốc tế (35,90%).
Hầu hết các chuyên gia tham gia đều nhìn thấy thị trường du lịch Đông Nam Á và Đông Á đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch Indonesia. Trung Quốc, Malaysia, Australia là những quốc gia có tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch nước này. Đặc biệt, với 1,37 triệu người Australia đã đến Indonesia để nghỉ lễ trong năm 2023, quốc gia Đông Nam Á này lần đầu tiên vượt New Zealand trở thành điểm đến du lịch ở nước ngoài được yêu thích nhất của người dân “xứ sở Chuột túi”.
Năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Indonesia đã đạt 10,4 triệu lượt, tăng gần 111% so với năm 2022.
Theo số liệu mới nhất của Sở Thống kê Australia (ABS) cho thấy khoảng 1,37 triệu người dân Australia đã đến Indonesia năm 2023 (86% trong số đó đi nghỉ mát), trong khi chỉ có 1,26 triệu người đã đến New Zealand. Du khách Australia tới cả Indonesia và New Zealand đã đạt đỉnh vào năm 2019 trước khi sụt giảm mạnh trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi Indonesia đã quay trở lại thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao trước đại dịch thì tốc độ tăng trưởng của New Zealand đã chậm lại kể từ năm 2022.
Theo trang Kemenparekraf, Indonesia rất chú trọng đến quá trình phát triển phong trào du lịch trong nước và du lịch nước ngoài. Phát biểu với các phóng viên tại thành phố Bogor, Tây Java, ngày 18/2, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Salahuddin Uno phân tích 6.000 làng du lịch có thể đóng góp tới 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Ngoài ra, các làng du lịch sau khi được hoàn thiện và đưa vào khai thác cũng sẽ tạo ra 4,4 triệu việc làm trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo. Tại các làng du lịch, thế hệ trẻ đóng vai trò nòng cốt tạo ra sự đổi mới và những sản phẩm sáng tạo để phục vụ du khách. Bộ trưởng Uno giải thích Indonesia hiện có khoảng 7.500 ngôi làng có tiềm năng du lịch. Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đánh giá mục tiêu phát triển 80% số làng này thành điểm du lịch là khả thi, căn cứ vào thực tế số lượng khách đến tham quan các làng du lịch đã tăng trưởng 30% sau đại dịch Covid-19.
Hiện nay Indonesia có 2 làng du lịch được đánh giá là tốt nhất ở cấp độ toàn cầu, gồm Nglanggeran ở Yogyakarta và Panglipuran ở Bali. Du lịch bền vững được dự đoán sẽ trở thành xu hướng du lịch Indonesia. Vì vậy, 56,76% chuyên gia đồng tình nhu cầu lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường là xu hướng được nhiều du khách quan tâm trong giai đoạn 2023 - 2024.
Với sự lạc quan trong việc khôi phục ngành du lịch và nền kinh tế sáng tạo, Indonesia hy vọng có thể đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, hầu hết các chuyên gia (90,48%) dự đoán lĩnh vực kinh tế sáng tạo sẽ có mức tăng trưởng mạnh và ước tính ẩm thực là phân ngành kinh tế sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2023-2034. Tiếp theo là phân ngành FAV (phim, hoạt hình, video), thời trang, ứng dụng, thủ công, phát triển trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh và nghệ thuật biểu diễn. Với sự lạc quan của các chuyên gia trong việc khôi phục ngành du lịch và nền kinh tế sáng tạo, Indonesia hy vọng có thể đạt được mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, 1,4 tỷ lượt du lịch trong nước và tạo ra 4,4 triệu việc làm vào năm 2024.
Theo Bloomberg, trong cuộc phỏng vấn ngày 19/2, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia nhấn mạnh: “Chúng ta cần ‘Swiftonomics’ cho ngành du lịch Indonesia nhằm thu hút du khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn”. Ông Uno đã đề cập đến cách nước láng giềng Singapore đã chi hàng triệu USD để trở thành quốc gia độc quyền tổ chức The Eras Tour của nữ ca sĩ nhạc pop Taylor Swift tại Đông Nam Á vào tháng 3 tới.
Đây là động thái nhằm thu hút khách du lịch trong khu vực đến với Singapore, cũng như tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực liên quan, như khách sạn, cuộc sống về đêm, thực phẩm và đồ uống (F&B),… "Swiftonomics” (nền kinh tế Taylor Swift) là một thuật ngữ, được đề cập lần đầu tiên vào tháng 7/2023 khi các buổi hòa nhạc của Taylor Swift được nhận xét rằng không chỉ là những sự kiện âm nhạc, mà còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nắm bắt được xu hướng phát triển ngành du lịch liên quan đến kinh tế sáng tạo và các trải nghiệm giải trí, chính phủ Indonesia đã thành lập một quỹ du lịch trị giá 1.000 tỷ Rupiah (64 triệu USD) để giúp đấu thầu các sự kiện tương tự như vậy. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng có kế hoạch miễn thị thực cho nhiều quốc tịch hơn, đồng thời đơn giản hóa giấy phép để giúp tổ chức các sự kiện trong nước một cách dễ dàng hơn. "Tôi rất lạc quan rằng với một số chuyển đổi trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi sẽ có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm tới", ông Salahuddin Uno cho hay.
Bali bắt đầu áp khoản thuế du lịch với du khách nước ngoài nhằm đối phó với hiện tượng quá tải du lịch.
Trước đó, thiên đường nghỉ dưỡng Bali của Indonesia đã bắt đầu áp thuế 150.000 rupiah (10 USD) đối với khách du lịch từ ngày 13/2. Theo một thông cáo báo chí, khách du lịch người nước ngoài thanh toán khoản phí thông qua cổng trực tuyến "Love Bali". Theo người đứng đầu Sở du lịch Bali, Tjok Bagus Pemayun, khoản phí mới "chỉ thu một lần". Nếu khách rời Bali để thăm các tỉnh khác sẽ không cần phải nộp thuế này một lần nữa. Nhưng nếu khách rời Indonesia và quay lại sẽ phải đóng phí tiếp.
Thứ trưởng Du lịch Indonesia, Ni Made Ayu Marthini, cho biết số tiền thu về được sử dụng để "thiết lập ngành du lịch phát triển bền vững" cũng như cải thiện quản lý chất thải, bảo tồn các địa điểm văn hóa, môi trường địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông có chất lượng. Khách quốc tế có thị thực ngoại giao, thẻ lưu trú tạm thời hoặc vĩnh viễn, thị thực đoàn tụ gia đình, thị thực vàng và du học sinh, đến làm việc đều được miễn thuế này khi đến Bali. Những người này cần nộp đơn xin miễn thuế ít nhất một tháng trước khi nhập cảnh.
Nguồn: TBKTVN