Lạm phát 124% ở Argentina

Giá cả tăng mạnh hơn dự báo khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề phải chật vật xoay sở mỗi ngày để tìm kiếm những địa chỉ bán hàng hoặc những mặt hàng có mức giá rẻ hơn, bởi tốc độ tăng giá dữ dội dẫn tới sự khác biệt giá cả đáng kể ngay cả giữa hai cửa hiệu cách nhau không xa. Những đợt giảm giá lẻ tẻ luôn thu hút một lượng lớn khách hàng.

Riêng trong tháng 8, lạm phát ở Argentina là 12,4%, một con số “khủng” ngay cả khi nói đến lạm phát hàng năm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tốc độ lạm phát như vậy đã đẩy tỷ lệ nghèo ở Argentina vượt ngưỡng 40% và đặt giới tinh hoa chính trị truyền thống ở nước này trước sự bất mãn của cử tri ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 10.

“Cuộc sống thật khó khăn. Mọi thứ tăng giá mỗi ngày một chút, như thể một cuộc chạy đua với thời gian vậy. Chúng tôi phải tìm những gì có giá rẻ nhất để mua ở một chỗ, rồi đi tới chỗ tiếp theo để tìm mua thứ khác”, bà Laura Celiz, một người đi mua thực phẩm ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires, nói với phóng viên hãng tin Reuters.

Trong lúc đó, chồng bà Celiz là ông Fernando Cabrera, 59 tuổi, đang dùng máy tính bỏ túi để so sánh giá rau quả. “Đây là cách chúng tôi chống lại lạm phát”, ông nói.

Theo kết quả một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Argentina, được công bố sau báo cáo lạm phát, mức lạm phát cả năm của nước này sẽ kết thúc năm 2023 ở con số 169%, cao hơn nhiều so với con số dự báo đưa ra cách đây 1 tháng là 141%. Mức dự báo lạm phát của tháng 9 và tháng 10 tương ứng là 12% và 9,1%.

Tốc độ lạm phát hàng tháng ở Argentina từ đầu năm tới nay - Nguồn: Reuters.

Tốc độ lạm phát hàng tháng ở Argentina từ đầu năm tới nay - Nguồn: Reuters.

Argentina đã rơi vào một vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi tình trạng mất niềm tin vào đồng nội tệ peso khiến đồng tiền này mất giá chóng mặt và góp phần dẫn tới lạm phát ba con số, kèm theo là dự trữ ngoại hối tại ngân hàng trung ương ở mức âm, và một nền kinh tế trì trệ một phần vì thời tiết hạn hán gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Argentina cũng đang ra sức cứu một thoả thuận vay vốn 44 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi đối mặt khả năng phải chịu chi phí pháp lý lên tới 16 tỷ USD sau khi một toà án Mỹ cách đây ít hôm ra phán quyết liên quan đến việc Chính phủ Argentina thâu tóm công ty năng lượng YPF cách đây 1 thập kỷ.

Vòng quyết định của cuộc bầu cử tổng thống Argentina sẽ diễn ra vào tháng tới, sau khi ứng cử viên theo trường phái tự do Javier Milei đã bất ngờ giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra hồi tháng 8 trước hai ứng cử viên được đánh giá mạnh hơn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Sergio Massa và chính trị gia bảo thủ Patricia Bullrich.

Câu chuyện lạm phát ở Argentina có thể tiếp tục xấu đi trong lúc tình hình bầu cử có nhiều chính trị bấp bênh. Tình trạng này khiến nhiều người Argentina nhớ lại thời kỳ siêu lạm phát ở thập niên 1980 mà họ đã phải trải qua.

“Một số người cho rằng lạm phát có thể tăng tốc lên 180%. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang nói đến lạm phát kỷ lục”, nhà phân tích kinh tế Damian Di Pace nhận định, và nói thêm rằng các quốc gia khác trong khu vực đang chứng kiến lạm phát giảm. “Phần lớn các quốc gia Mỹ Latin khác đang có mức lạm phát 1 con số, riêng lạm phát ở Argentina là 3 con số”.

Bộ trưởng Massa, người đã cắt giảm thuế để giảm bớt ảnh hưởng của lạm phát đối với người lao động, ngày 13/9 nói rằng tháng 8 là tháng khó khăn nhất từ đầu năm đến nay đối với Argentina, và đổ lỗi việc này cho IMF.

“Việc phá giá đồng tiền 20% theo yêu cầu của IMF chắc chắn ảnh hưởng đến túi tiền của tất cả các gia đình ở Argentina”, ông Massa nói.

Tốc độ lạm phát hàng năm ở Argentina từ thập niên 1990 tới nay. Lần gần đây nhất lạm phát ở nước này ở mức 3 con số là vào năm 1991 - Nguồn: Reuters.

Tốc độ lạm phát hàng năm ở Argentina từ thập niên 1990 tới nay. Lần gần đây nhất lạm phát ở nước này ở mức 3 con số là vào năm 1991 - Nguồn: Reuters.

Các chủ cơ sở kinh doanh ở Argentina - những người đang đối mặt với một vòng luẩn quẩn là giá nhập hàng tăng trước khi họ có thể vận chuyển hàng và làm đầy kho hàng - cũng chật vật với tình trạng khan hiếm hàng hoá vì lạm phát leo thang.

Ông Marcelo Capobianco, 53 tuổi, chủ một tiệm bán thịt ở ngoại ô Buenos Aires, đang lo ngại phải đóng cửa và tính chuyện di cư ra nước ngoài. Hàng ngày, ông niêm yết giá thịt bằng USD, đồng tiền mà nhiều người Argentina đang sử dụng như một “hầm trú ẩn” khỏi sự mất giá liên tục của đồng nội tệ.

“Mọi người đang giận dữ và họ có quyền giận dữ, vì họ chẳng thể mua nổi 1 kg thịt”, ông Capobianco nói.

Nguồn: TBKTVN