Lạm phát toàn cầu được dự báo trở về bình thường trong 2024, mở đường cho giảm lãi suất

Lạm phát toàn cầu đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng. Và nếu dự báo của các nhà kinh tế học là đúng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới, đưa lạm phát về mức bình thường lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây - theo tờ Wall Street Journal.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tại một nhóm nền kinh tế vốn chứng kiến lạm phát tăng vọt sau đại dịch Covid-19 đã hạ về mức hàng năm 2,2% trong kỳ 3 tháng kết thúc vào tháng 11 vừa qua. Nhóm nền kinh tế này bao gồm Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi. Theo báo cáo, đến cuối năm 2024, lạm phát bình quân ở nhóm nền kinh tế này sẽ giảm về mức bằng hoặc gần bằng mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương lớn.

Đối với tăng trưởng kinh tế, lạm phát giảm sẽ hỗ trợ theo hai cách: một là tăng cường sức mua của hộ gia đình, và hai là mở đường để các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.

NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT LEO THANG - XUỐNG THANG

Cố vấn cấp cao Michael Saunders của công ty nghiên cứu Oxford Economics dự báo đến quý 4/2024, lạm phát sẽ giảm còn 1,3% ở khu vực eurozone; 2,7% ở Anh; và 2,2% ở Mỹ - tính theo thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng là chỉ số giá nhà sản xuất (PCE). Theo số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi, PCE Mỹ tăng 2,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. PCE lõi tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức tăng hàng năm 1,9% trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Cả Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều đặt mục tiêu lạm phát là 2%.

“Những yếu tố chung kéo lạm phát xuống là giá thực phẩm, năng lượng và hàng hoá toàn cầu giảm xuống và chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng điểm khác biệt khiến lạm phát sẽ giảm nhanh hơn về mục tiêu ở eurozone là việc Mỹ và Anh đối mặt với áp lực lớn hơn từ sự thắt chặt của thị trường lao động. Sự thắt chặt này đang được giải toả một cách chậm chạp”, ông Saunders nhận định.

Bức tranh lạm phát toàn cầu được cải thiện là sự đối nghịch với làn sóng lạm phát bắt đầu nổi lên trên thế giới cách đây 3 năm. Vào năm 2021, giá cả tăng vọt vì những gián đoạn trong hoạt động sản xuất và vận tải toàn cầu, bên cạnh nhu cầu tăng cao do các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khoá và tiền tệ. Tiếp đó, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022 đã khiến giá hàng hoá cơ bản tăng vọt, đưa lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát ở eurozone - khu vực rơi vào khủng hoảng năng lượng vì bị Nga cắt cung cấp khí đốt, lập đỉnh ở mức 10,6% vào tháng 10/2022.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động suy giảm do các gián đoạn liên quan tới Covid. Bởi vậy, nhu cầu lao động tăng lên dẫn tới tiền lương tăng mạnh, kéo theo lạm phát giá dịch vụ.

Giá nhà cũng “đổ dầu vào lửa” đối với lạm phát giá dịch vụ, nhưng có độ trễ. ở Mỹ, giá tiêu dùng tăng 3,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tăng 1,4% nếu không tính nhóm nhà ở. Tại châu Âu, ảnh hưởng của giá nhà đối với lạm phát là ít hơn, bởi nhà ở được sử dụng bởi chủ sở hữu không được đưa vào các thước đo lạm phát chính.

Khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng gần được giải toả, lạm phát đã dịu đi từ cuối năm ngoái, tiếp tục xuống thang trong năm nay, và xu hướng này có thể duy trì trong năm tới. Chẳng hạn, giá ô tô cũ ở Mỹ - một yếu tố quan trọng đẩy lạm phát tăng vọt ở nước này trong năm 2021, vẫn còn dư địa để giảm vào đầu năm tới vì thị trường xe cũ tiếp tục tiến trình quay trở lại trạng thái bình thường - nhà sáng lập Omair Sharif của công ty nghiên cứu Inflation Insights nhận định.

Biến động giá tiêu dùng hàng tháng so với cùng kỳ năm trước ở Anh, Mỹ và eurozone - Nguồn: WSJ.

Biến động giá tiêu dùng hàng tháng so với cùng kỳ năm trước ở Anh, Mỹ và eurozone - Nguồn: WSJ.

Thị trường năng lượng và hàng hoá cơ bản khác cũng đã điều chỉnh để thích ứng với sự gián đoạn do chiến tranh Nga-Ukraine, nhờ đó giá năng lượng giảm xuống và giá thực phẩm cũng trở nên ổn định. Theo trưởng nghiên cứu kinh tế Neil Dutta của công ty ngheien cứu Renaissance Macro Research, những lực lượng này sẽ tiếp tục kéo lạm phát giảm trong năm 2024. “Giá năng lượng đã giảm và xét tới sự đi xuống của giá dầu diesel, chúng ta có thể chứng kiến sự giải toả đó lan sang giá năng lượng và thực phẩm trong những tháng sắp tới”, ông Dutta nhấn mạnh.

Năm nay, thị trường lao động ở nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu trở lại trạng thái cân bằng, và đây là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự đi xuống của lạm phát giá dịch vụ. Xu hướng này cũng được dự báo sẽ duy trì trong năm tới.

KHÁC BIỆT GIỮA CÁC NỀN KINH TẾ

Nhưng một lần nữa, thời điểm và hiệu ứng sẽ có sự khác biệt tại các quốc gia khác nhau. “Có thể nói rằng việc tái cân bằng cung-cầu trên thị trường lao động ở Mỹ đang diễn ra rồi”, chiến lược gia trưởng Peter Berezin của công ty nghiên cứu BCA Research nhận định. Ông Berezin nói thêm rằng áp lực tăng lương đã giảm đi nhiều do một lượng lớn người quay trở lại lực lượng lao động.

Nhưng ở Anh, tiến trình bình thường hoá của thị trường lao động có thể sẽ chậm hơn. Theo nhà kinh tế cấp cao Simon MacAdam của Capital Economics cho biết một tỷ lệ cao bất thường người tàn tật đang nằm trong danh sách chờ có người chăm sóc ở Anh đã khiến cho nguồn cung lao động ở nước này giảm xuống. Dòng người nhập cư vào Anh đang cao kỷ lục, nhưng kỹ năng của đa số lao động nhập cư không đáp ứng được yêu cầu của các vị trí cần tuyển dụng.

Lạm phát hạ nhiệt, cùng với tăng trưởng giảm tốc hoặc rơi vào trì trệ ở các nền kinh tế lớn, là những nhân tố sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc hôm 13/12, Fed phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. “Nền kinh tế Mỹ đang vận hành tương đối tốt. Điều kiện tài chính đã nới lỏng. Lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện”, ông Dutta nói. Trong bối cảnh như vậy, vị chuyên gia dự báo Fed có thể giảm lãi suất 3-4 lần trong năm tới, thay vì giảm tới 6 lần như kỳ vọng của thị trường. “Nhưng đó là điều tốt, vì có vẻ nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, ông Dutta nhấn mạnh.

Biến động giá tiêu dùng lõi hàng tháng so với cùng kỳ năm trước ở Anh, Mỹ và eurozone - Nguồn: WSJ.

Biến động giá tiêu dùng lõi hàng tháng so với cùng kỳ năm trước ở Anh, Mỹ và eurozone - Nguồn: WSJ.

Triển vọng Fed hạ lãi suất đã đẩy giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và lợi suất giảm xuống, qua đó giúp giảm lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp và người mua nhà ở Mỹ. Người đi vay ở châu Âu có thể sẽ phải đợi lâu hơn để được hưởng mức lãi suất giảm, vì họ vay nhiều hơn từ các ngân hàng thay vì từ thị trường vốn, và lãi suất cho vay của các ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương - theo ông MacAdam. Vị chuyên gia nhận định lãi suất ngân hàng ở eurozone sẽ không giảm mạnh trước quý 2 sang năm, và ở Anh thậm chí sẽ còn muộn hơn vì lạm phát dai dẳng hơn.

Với lạm phát hạ nhiệt nhanh trên toàn cầu, nhà kinh tế trưởng Douglas Porter của công ty nghiên cứu kinh tế BMO Capital Markets Economics dự báo hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2024 so với năm 2023, nhưng việc cắt giảm lãi suất, giá năng lượng và thực phẩm xuống thang, cùng với chuỗi cung ứng trở lại trạng thái bình thường sẽ giúp nền kinh tế thế giới tránh được suy thoái.

Nguồn: TBKTVN