Lo ngại về nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh ở Trung Quốc

Giá cả ở Trung Quốc đã giảm trong nhiều tháng liên tiếp, nhưng thay vì kích thích tiêu dùng, xu hướng này lại càng khiến người dân chi tiêu ít hơn. Tình trạng người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” đang đặt ra nguy cơ hình thành một “vòng xoáy giảm phát” nguy hiểm đối với nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí gây ra cả ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm 4 tháng liên tiếp, với mức giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước là 0,8% giảm mạnh nhất trong 15 năm gần đây. Doanh nghiệp ở gần như tất cả các lĩnh vực trong rổ hàng hóa tính CPI đều giảm giá bán sản phẩm, từ mỹ phẩm cho tới đồ điện và ô tô. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này cũng đã giảm liền 16 tháng, với mức giảm trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước là 2,5%.

Dữ liệu này làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách nước này tìm cách vực dậy đà tăng trưởng kinh tế đang ngày càng đuối. Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, nhưng chủ yếu nhờ cơ sở so sánh thấp vì nền kinh tế đã sụt tốc mạnh trong năm 2022 do ảnh hưởng của các biện pháp chống Covid-19 hà khắc. Năm nay, để nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương tự, tiêu dùng cần giữ một vai trò đầu tàu, vì bất động sản - lĩnh vực chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Trung Quốc - vẫn đang trượt dốc, triển vọng xuất khẩu ảm đạm (vì kinh tế toàn cầu yếu đi) và đầu tư công tăng yếu do mức nợ công của các địa phương đang lớn. Năm 2022, tiêu dùng của hộ gia đình đóng góp chỉ 38% GDP của Trung Quốc, so với tỷ lệ 68% ở Mỹ.

RỦI RO TỪ KỲ VỌNG GIẢM PHÁT ĂN SÂU VÀO TÂM LÝ

Trong một báo cáo hồi tháng 11/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc còn 4,6% trong năm nay. Báo cáo trung tuần tháng 1/2024 của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s thậm chí cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt mức tăng 4% trong năm nay, từ chỗ tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2023.

Với thị trường bất động sản còn chìm trong khủng hoảng, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc được nhận định là sẽ khó khởi sắc. Nhà đất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, nên sự sụt giảm của giá nhà đất đồng nghĩa với giá trị tài sản của hộ gia đình đi xuống, dẫn tới tâm lý thận trọng, không muốn chi tiêu. Ngoài ra, tài sản của người Trung Quốc còn hao hụt do tình trạng trượt dốc của thị trường chứng khoán nước này 3 năm qua với lượng vốn hóa “bốc hơi” đã lên tới 5 nghìn tỷ USD.

Trong khi lạm phát vẫn đang là một thách thức đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Anh và châu Âu, giảm phát đang đặt ra một trở ngại thậm chí có phần nan giải hơn đối với kinh tế Trung Quốc. Giá cả giảm bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu do kỳ vọng sẽ mua được hàng với giá rẻ hơn trong tương lai. Tình trạng này dẫn tới việc doanh nghiệp phải giảm giá bán hàng, trì hoãn việc tuyển dụng nhân công và đầu tư, từ đó gây áp lực giảm tiêu dùng, dẫn tới một vòng xoáy giảm phát.

“Về mặt lý thuyết, giá cả giảm sẽ làm gia tăng sức mua của người tiêu dùng. Nhưng đối với Trung Quốc hiện nay, câu chuyện không phải là như vậy. Chúng tôi cho rằng đó là bởi kỳ vọng giảm phát đã ăn khá sâu vào tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đây có thể là sự khởi đầu của một xu hướng mang tính cơ cấu. Người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn nhiều, họ sẽ suy nghĩ kỹ hơn về việc sẽ tiêu mỗi đồng thu nhập tăng thêm như thế nào”, nhà kinh tế trưởng Louise Loo của Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, nhận định với tờ báo Financial Times.

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng Trung Quốc do Ngân hàng Morgan Stanley thực hiện vào tháng 12/2023 và công bố vào tháng 1/2024 phát hiện thấy chỉ hơn một nửa số người tham gia khảo sát kỳ vọng nền kinh tế khởi sắc trong 6 tháng tới. Cũng theo cuộc khảo sát này, 76% số người tiêu dùng được hỏi cho biết đã cắt giảm chi tiêu ở ít nhất một hạng mục trong 6 tháng qua. Ngoài ra, ở tất cả các hạng mục tiêu dùng, người tiêu dùng đều nghiêng về lựa chọn các thương hiệu rẻ hơn thay vì chọn mua các thương hiệu đắt tiền.

“Tôi đã ở Trung Quốc 27 năm đây có lẽ là lúc mà niềm tin của người tiêu dùng nước này thấp nhất tôi từng chứng kiến. Giảm phát đang bắt đầu trở nên nguy hiểm. Người tiêu dùng chờ giảm giá, họ cảm thấy rất lo lắng”, ông Shaun Rein, nhà sáng lập Công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nói với hãng tin CNBC.

LÝ DO KHIẾN TRUNG QUỐC KÍCH CẦU DÈ DẶT

Theo ông Fed Neumann, Trưởng Bộ phận kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC, thu nhập không tăng hoặc tăng ít là một lý do khác khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu. Cuộc khảo sát của Morgan Stanley cũng cho thấy chỉ 45% người tiêu dùng được hỏi kỳ vọng tình hình tài chính của gia đình được cải thiện trong 6 tháng tới - tỷ lệ thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Giới chuyên gia cho rằng để cải thiện niềm tin và khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc tăng chi tiêu, Chính phủ nước này cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn, thay vì những động thái kích cầu nhỏ giọt thời gian qua như giảm lãi suất cho vay thế chấp nhà, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, nới lỏng quy định về mua căn nhà thứ hai tại một số địa phương…

Tuy nhiên, Bắc Kinh có lý do để thận trọng. Tỷ lệ của tổng nợ phi tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này đã lên tới mức kỷ lục gần 288% trong năm 2023, trong đó tỷ lệ nợ công - bao gồm cả nghĩa vụ nợ của các chính quyền địa phương - là 110%. Điều này có nghĩa rằng một gói kích cầu lớn sẽ khiến tình trạng nợ nần thêm căng thẳng, giữa lúc chủ trương của Chính phủ Trung Quốc là giảm nợ trong nền kinh tế. Nhìn trong dài hạn, Trung Quốc cần cải thiện hệ thống an sinh xã hội để người dân bớt lo về tiết kiệm cho tuổi già, từ đó có thể chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, biện pháp này cũng đòi hỏi sự gia tăng của nợ công...

Nguồn: TBKTVN