Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng của châu Á

Châu Á phải đối mặt với một trong những triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ vì sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch cùng cuộc khủng hoảng ngành bất động sản của Trung Quốc, bên cạnh đó còn có mức nợ và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ gia tăng.

Ngày 20/2, Ngân hàng Thế giới chính thức hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4% trong năm tới và của toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương từ 4,8% xuống 4,5%.

Khu vực này, một trong những động lực tăng trưởng chính của thế giới, hiện có thể sẽ trải qua tốc độ cải thiện chậm nhất kể từ cuối những năm 1960, ngoại trừ những giai đoạn đặc biệt như thời điểm đại dịch, cú sốc dầu mỏ những năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Trung Quốc là rào cản chính cho sự tăng trưởng tại đây, do một số yếu tố bao gồm tình trạng bấp bênh của lĩnh vực bất động sản, vốn thường chiếm hơn 1/4 hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến Bắc Kinh vào tháng trước phải tung ra một chương trình kích thích khổng lồ để nhen nhóm lại nhu cầu.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ đã giảm xuống mức trước đại dịch, mặc dù các nhà kinh tế tin rằng chi tiêu cho nhà hàng và các chuyến đi chơi có thể tăng lên trong Tuần lễ Vàng của Trung Quốc, kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm. 

Mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển tại Châu Á dự kiến sẽ giảm xuống mức 4.5% vào năm tới. Ảnh: FT.

Mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển tại Châu Á dự kiến sẽ giảm xuống mức 4.5% vào năm tới. Ảnh: FT.

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhưng đã có những dấu hiệu hồi phục trong vài tuần qua. Hoạt động của nhà máy mở rộng vào tháng 9 lần đầu tiên sau 6 tháng theo dữ liệu PMI của chính phủ ngày 17/2, trong khi dữ liệu S&P Global ngày 19/2 cũng cho thấy sự cải thiện.

Cũng có những tin tức tích cực về căng thẳng thương mại sau khi một “cơ chế” mới được thống nhất giữa Trung Quốc và EU xoay quanh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, như nhà bình luận kinh tế của FT, ông Martin Wolf, gần đây đã kết luận, vẫn còn quá sớm để loại bỏ Trung Quốc. 

Chuyên gia kinh tế Aaditya Mattoo của Ngân hàng Thế giới cho biết, khu vực chỉ có thể cải thiện thông qua những cải cách sâu sắc hơn trong lĩnh vực dịch vụ. “Trong một khu vực thực sự phát triển mạnh nhờ thương mại và đầu tư vào sản xuất. . . Chìa khóa cho tăng trưởng sẽ đến từ việc cải cách các lĩnh vực dịch vụ để khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số”, ông nói.

Nguồn: Nhipcaudautu