Mở đường để ngành ngân hàng chuyển dịch sang ngân hàng mở, open banking

Chiều ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”.

NGÂN HÀNG CHUYỂN ĐỔI SỐ "CHÓNG MẶT"

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký Toà soạn, kiêm Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, cho biết trong suốt hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times đồng hành với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Theo lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, thời gian qua, ngành ngân hàng không chỉ chứng tỏ vị thế vai trò tin cậy của mình với nền kinh tế mà còn dẫn đầu khi tiếp cận với các xu thế quản lý, kinh doanh hiện đại của thế giới.

“Ngân hàng là ngành nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng sẽ là động lực thúc đẩy số hoá nền kinh tế một cách nhanh chóng”, ông Đào Quang Bính khẳng định.

Bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới, cuộc cách mạng 4.0 bằng nhiều cách khác nhau đã thẩm thấu vào Việt Nam. Quá trình tiếp cận xu hướng này ở ngành ngân hàng khá nổi trội và với tốc độ chóng mặt.

Ban đầu là thanh toán trực tuyến qua máy tính kết nối Internet, sau đó là các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ra đời được đính trên bề mặt những chiếc điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng mà nhiều người vẫn gọi là app. Từ app, người dùng có thể thoả sức trải nghiệm mua sắm, chi trả hầu hết các nhu cầu thiết yếu một cách tiện lợi, an toàn.

Ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký Toà soạn, Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phát biểu tại Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023. 

Ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký Toà soạn, Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phát biểu tại Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023. 

Không dừng ở đó, những khái niệm ngân hàng mở, chuẩn chung Open API, chia sẻ dữ liệu… hướng các chủ thể là ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung ứng hàng hoá dịch vụ phải ngồi lại với nhau, để bàn về câu chuyện lớn hơn, hiệu quả hơn, đó là ngân hàng mở.

"Trong 2 năm gần đây, rất nhiều ngân hàng đã chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các cửa sổ trực tuyến, xoá bỏ ngăn cách không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Đây chính là cơ sở để ngành ngân hàng tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang ngân hàng mở/Open Banking một cách toàn diện, mạnh mẽ và nhanh chóng”, lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy nói.

Ngành ngân hàng xác định ngày 18/5/2023 là “Ngày chuyển đổi số” với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, rất nhiều ngân hàng triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư, định danh, xác minh thông tin người dùng bằng căn cước gắn chip…

MỞ ĐƯỜNG THÚC ĐẨY NGÂN HÀNG MỞ

“Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” là hội thảo có tính chất chuyên ngành lần đầu tiên được tổ chức mở rộng, quy mô lớn, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị truyền thông là Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy với các đơn vị nghiệp vụ trong ngành công nghệ, thanh toán ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, giữa các ngân hàng thương mại với trung gian thanh toán, fintech và đặc biệt là sự tham dự của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Hội thảo tập trung làm nổi bật các nhóm vấn đề: (i) làm rõ nội hàm khái niệm “ngân hàng mở/Open Banking”; (ii) những giá trị mà ngân hàng mở mang lại cho các chủ thể tham gia bao gồm: ngân hàng, trung gian thanh toán - fintech, người dùng…; (iii) cơ chế vận hành để tối ưu hoá hiệu quả khi triển khai đồng bộ mô hình ngân hàng mở/Open Banking trên diện rộng so với kết nối đơn lẻ; (iv) những thách thức khi triển ngân hàng mở/Open Banking…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng gợi mở một số đề xuất.

Cụ thể, thứ nhất, ban hành quy định pháp lý yêu cầu chia sẻ dữ liệu phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Với quy định triển khai bắt buộc và hành lang pháp lý chặt chẽ, mô hình ngân hàng mở sẽ giúp mở rộng nhanh chóng với nhiều thành viên tham gia, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Cơ quan nhà nước dễ giám sát, thực hiện các biện pháp kịp thời để thúc đẩy ngân hàng mở phát triển. Tính an toàn, bảo mật thông tin cũng sẽ được giám sát chặt chẽ, giảm bớt rủi ro vận hành phát sinh trong quá trình triển khai ngân hàng mở.

Với mô hình này, cơ quan quản lý nhà nước xem xét ban hành quy định khung về việc triển khai Open Banking/Open API như: quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, các loại API được cung cấp…; có quy định chi tiết về chuẩn API và bảo mật dữ liệu, xác thực khách hàng được ban hành bởi cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị triển khai hạ tầng OBP.

Thứ hai, ban hành các quy định điều kiện và nghĩa vụ của các bên tham gia ngân hàng mở cũng như các tiêu chuẩn về an ninh an toàn.

Ngân hàng mở nếu được triển khai thành công tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính và phi tài chính với nhiều tiện ích được cung cấp tới khách hàng.

Quá trình này cũng gián tiếp thúc đẩy chuyển đổi số một cách sâu rộng trong ngành ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu và xu thế về cả công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm dịch vụ của các khách hàng từ đó giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng trong cuộc chạy đua của cách mạng 4.0.

Nguồn: TBKTVN