Một sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra tại Ấn Độ
Nguồn tin từ Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngày 30/9/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng calcium carbonate filler masterbatch có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Calcium carbonate masterbatch là chất phối trộn cùng nhựa nền PP, là giải pháp cho việc sản xuất các vật dụng gia dụng như đồ nội thất, thùng chứa, hộp đựng, chai, lọ, rổ rá... thông qua phương pháp ép phun.
Calcium Carbonate Filler Masterbatch giúp tăng độ cứng, độ bền và khả năng chịu va đập của các sản phẩm nhựa, đặc biệt với các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao như phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử, và các ứng dụng cần độ bền cơ học cao.
Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa Ấn Độ, đại diện là Hiệp hội các nhà sản xuất hợp chất và masterbatch Ấn Độ và Hiệp hội các nhà sản xuất Masterbatch Ấn Độ.
Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nhập khẩu vào Ấn Độ với khối lượng đáng kể, bị bán phá giá, và là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Ấn Độ.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết Việt Nam đã phải đối mặt với gần 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, trong đó có 141 vụ điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ quan này đang phải xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.
Thời kỳ điều tra: bán phá giá: 01/4/2023-31/3/2024; thiệt hại: 01/4/2020-31/3/2021; 01/4/2021-31/3/2022; 01/4/2022-31/3/2023 và thời kỳ điều tra bán phá giá.
Hiện tại nguyên đơn chưa đề xuất các mã kiểm soát sản phẩm (PCN), DGTR khuyến nghị các bên quan tâm gửi bình luận, lập luận, đề xuất PCN trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Mã PCN là cơ sở phân loại thành các nhóm sản phẩm trong quá trình tính toán biên độ phá giá.
Để kịp thời ứng phó vụ việc, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra cần nghiên cứu kỹ thông báo khởi xướng, đơn kiện bản công khai, gửi ý kiến bình luận về vụ việc (nếu có). Nghiên cứu, rà soát sản phẩm và gửi đề xuất PCN sử dụng trong quá trình điều tra, bình luận về các đề xuất PCN của nguyên đơn (nếu có)
Các doanh nghiệp phải hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế rất cao), đề nghị cơ quan điều tra cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp (bản câu hỏi điều tra, các kết luận điều tra, phương pháp tính biên độ phá giá).
Cách đây ít ngày, sản phẩm lốp xe ô tô xe buýt và xe tải có xuất xứ Việt Nam đã bị Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, với cáo buộc lẩn tránh thuế CBPG đang áp với Trung Quốc.
Bà Trương Thuỳ Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: "Ngày càng có nhiều các thị trường khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, trước đây là các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, hay ASEAN thì nay cả Mexico, Đài Loan, Nam Phi".
Phạm vi sản phẩm bị điều tra không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…
Xu hướng điều tra phòng vệ cũng khắt khe hơn. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).
Nguồn: Báo Đầu tư