Năm 2024: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng

Rất nhanh sau khi tổ chức hội nghị với các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Sáu quan điểm, mục tiêu điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nhấn mạnh tại nghị quyết này.

Và một điểm mới quan trọng, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh 3 năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, ngoại trừ năm 2022, tăng trưởng GDP đạt mức đột phá 8,02%, thì năm 2021 và 2023, tăng trưởng GDP chỉ ở mức thấp, tương ứng là 2,56% và 5,05%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của giai đoạn 2021-2025 được quyết nghị ở mức 6,5-7%.

Khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế giữa kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, áp lực đạt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm là rất nặng nề. Còn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5-7%, cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội, thì “cần phải có sự cố gắng rất lớn”.

Đây chính là một trong các lý do khiến Chính phủ quyết định trình mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 6-6,5% và Quốc hội đã thông qua, dù nhiều dự báo cho thấy, kinh tế 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn cơ hội. Và đó cũng là lý do Chính phủ quyết ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc tiếp tục nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng để đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và cho rằng, điều này là hết sức cấp bách trong năm 2024, khi các dự báo cho thấy, có một số yếu tố có thể tác động mạnh đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, như chính sách tiền lương mới, hay việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện... theo lộ trình, trong khi giá xăng dầu vẫn diễn biến khó lường.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, còn thúc đẩy tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, Chính phủ đã “xây” kịch bản tăng trưởng cho cả năm và ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý I/2024, tăng trưởng GDP phải đạt 5,26 - 5,69%. Quý II, con số là 5,8 - 6,29%, để 6 tháng, có thể đạt được tăng trưởng 5,54 - 6%.

Sang quý III, tăng trưởng GDP phải đạt mức cao hơn, là 6,24 - 6,77%; để 9 tháng, đạt 5,78 - 6,27%. Quý IV/2024 sẽ là quý đóng vai trò quyết định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, do đó, con số phải đạt được là 6,55 - 7,09%.

Dốc toàn lực để về đích

Kinh tế còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Bởi thế, nỗi lo nền kinh tế sẽ rất vất vả để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2024. Liệu nền kinh tế có thể về đích?

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

- Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6-6,5%. Với kịch bản tích cực, trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các động lực tăng trưởng cả truyền thống và mới được khai thác hiệu quả hơn, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn 0,5-1 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở.

Còn với kịch bản tiêu cực, nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tưtiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, thì mức tăng trưởng có thể chỉ ở mức 5-5,5%.

Trong bối cảnh diễn biến kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định như hiện nay, bất cứ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Bởi thế, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần dồn toàn lực để về đích. Điều này đã được các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.

“Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và sự phục hồi xuất khẩu chính là 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói.

Theo ông Shantanu Chakraborty, còn dư địa, nên chính sách tài khóa cần được ưu tiên tại Việt Nam. Trong đó, đầu tư công là giải pháp quan trọng.

Năm 2024, Quốc hội quyết nghị nguồn lực đầu tư công thấp hơn năm 2023, với chỉ hơn 640.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nếu quan tâm thúc đẩy giải ngân từ sớm, từ xa, đạt kết quả cao, thì sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Hơn thế, bên cạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn trong năm 2024, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng, với tổng vốn thu hút được trên 36,6 tỷ USD, còn giải ngân gần 23,3 tỷ USD.

“Năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng”, ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói và bày tỏ sự vui mừng trước xu hướng nhiều dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Chính các dự án này sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bên cạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng hiệu quả, cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân... Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng - chiếm 32% GDP cả nước năm 2023), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…, cũng là điều được ông Lực nhắc tới.

Đây chính là các giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này, nền kinh tế có thể tăng tốc, bứt phá để về đích.

Nguồn: Báo Đầu tư