Nhật Bản loay hoay lấp đầy khoảng trống nhân lực
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và thực tập sinh kỹ thuật từ các quốc gia châu Á nhằm đối phó với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, một vấn đề tương tự hai giai đoạn thiếu hụt lao động nghiêm trọng nhất sau chiến tranh tại quốc gia này.
Nhật Bản từng trải qua làn sóng thiếu lao động đầu tiên trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ những năm 1950 đến 1970 và lần thứ hai vào giai đoạn bong bóng kinh tế cuối những năm 1980 đến đầu 1990. Giờ đây, khi đối mặt với làn sóng thiếu hụt thứ ba, các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng thu hút nhân tài trẻ từ các nước châu Á.
Công ty Takasago Electric là một ví dụ điển hình. Năm ngoái, công ty đã tuyển dụng bốn sinh viên tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Ấn Độ Hyderabad (IITH), một trong những trường kỹ thuật hàng đầu tại Ấn Độ. IITH, thành lập năm 2008, nổi bật ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (A.I) và khoa học máy tính, với nhiều cựu sinh viên làm việc cho các tập đoàn lớn như Google.
Bốn sinh viên này chọn làm việc tại Takasago, nhà sản xuất linh kiện chính xác ở Nagoya, sau khi nghe CEO Haruyuki Hiratani phát biểu tại hội chợ việc làm của trường. Dù không thể cạnh tranh về lương với các công ty Mỹ, ông Hiratani nhấn mạnh: “Chúng tôi cung cấp sản phẩm cho NASA và các công ty công nghệ hàng đầu. Nhân viên của chúng tôi liên tục thảo luận cách phát triển công nghệ tiên tiến hơn”.
Trong giai đoạn thiếu lao động đầu tiên, nhiều học sinh tốt nghiệp cấp hai và cấp ba từ các vùng nông thôn đã chuyển đến thành phố lớn để làm việc tại các nhà máy và cửa hàng, được gọi là "trứng vàng". Đến thời kỳ bong bóng kinh tế, các công ty Nhật tích cực tuyển dụng người gốc Nhật từ Nam Mỹ và các khu vực khác trên thế giới.
Làn sóng thiếu hụt lao động hiện tại rõ ràng không phải là hiện tượng tạm thời. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản, từ 15 đến 64 tuổi, hiện là 74 triệu người, giảm 15% so với mức đỉnh năm 1995 và dự kiến sẽ giảm thêm 18 triệu người vào năm 2050. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản cần khẩn cấp toàn cầu hóa lực lượng lao động của mình.
Theo khảo sát tài chính 2023 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), 28,4% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường tuyển dụng nhân viên nước ngoài trong 2-3 năm tới. Một số công ty, trong nỗ lực tìm kiếm nhân công, sẵn sàng hỗ trợ tối đa để người lao động nước ngoài hòa nhập cuộc sống tại Nhật Bản.
Các ngành sản xuất, nông nghiệp và thủy sản Nhật Bản hiện phụ thuộc lớn vào chương trình thực tập kỹ thuật. Tuy nhiên, khoảng 10.000 thực tập sinh mỗi năm rời bỏ chương trình vì điều kiện làm việc không như mong đợi.
Nhiều công ty không chỉ tập trung tuyển dụng mà còn hỗ trợ lao động nước ngoài hòa nhập cuộc sống. Chẳng hạn, Sumitomo Fudosan Villa Fontaine, nơi sử dụng khoảng 400 thực tập sinh Việt Nam, đã tổ chức các hoạt động văn hóa, tiệc tối và cuộc gọi video để kết nối lao động với gia đình.
Dù vậy, việc giữ chân lao động nước ngoài vẫn là thách thức lớn. Nhiều người gặp khó khăn trong việc thích nghi với văn hóa doanh nghiệp và phong cách làm việc của Nhật Bản.
Để một quốc gia tăng trưởng trong bối cảnh dân số suy giảm, cải thiện năng suất là điều cốt yếu. Tuy nhiên, Nhật Bản đang tụt hậu nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Trong báo cáo kinh tế thường niên năm tài khóa 2024, Văn phòng Nội các Nhật Bản chỉ ra rằng Đức, quốc gia đã vượt Nhật Bản về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), có lực lượng lao động nhỏ hơn 40% so với Nhật Bản và làm việc ít hơn 20% số giờ. Báo cáo cho biết Đức tạo ra giá trị gia tăng tương đương Nhật Bản chỉ với một nửa đầu vào lao động.
Theo Giáo sư Takashi Kumon từ Đại học châu Á, Nhật Bản cần thay đổi cách tiếp cận. “Khi kỳ vọng lao động nước ngoài hoạt động như người Nhật, chúng ta không thể cải thiện năng suất hay thúc đẩy đổi mới. Các công ty phải chấp nhận ý tưởng và giá trị đa dạng”, Giáo sư nhận định.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu