Những nước nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thuế tối thiểu toàn cầu?

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thấp như Ireland và Hà Lan - thường được gọi là những “nơi trú ẩn thuế” (tax haven) - sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng ban đầu, thuế này sẽ giúp tăng tới 1/3 thu ngân sách từ thuế đánh vào các công ty đa quốc gia tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

Thuế tối thiểu toàn cầu đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 tại Liên minh châu Âu (EU), Anh và nhiều nền kinh tế lớn khác. Thuế này áp thuế suất tối thiểu 15% lên lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn.

Một báo cáo của OECD công bố vào tuần trước ước tính các quốc gia tham gia áp thuế suất tối thiểu toàn cầu được phân loại là “trung tâm đầu tư” -  chính là những “nơi trú ẩn thuế” - sẽ là những nước đạt được sự gia tăng mạnh mẽ nhất về thu ngân sách từ thuế nhờ loại thuế này. Theo đó, thu ngân sách từ thuế đánh vào các công ty đa quốc gia đặt tại các quốc gia này sẽ có mức tăng dao động từ ít nhất 14% đến 34%.

Giữ vai trò giám sát đối với các cuộc đàm phán về cải tổ thuế doanh nghiệp toàn cầu, OECD định nghĩa “trung tâm đầu tư” là các quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chiếm hơn 150% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Những quốc gia và vùng lãnh thổ đáp ứng tiêu chí này có Bermuda, British Virgin Islands, Ireland, Jersey, Guernsey, Luxembourg, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, và Singapore.

Thuế tối thiểu toàn cầu đã đạt được sự nhất trí về nguyên tắc của hơn 140 quốc gia trên thế giới vào năm 2021. Thuế này nhằm mục đích chấm dứt vòng xoáy suy giảm đã kéo dài hàng thập kỷ về thuế suất thuế doanh nghiệp trên toàn cầu. Luật thuế toàn cầu này đưa ra một loạt quy định có sự liên kết mà theo đó, nếu lợi nhuận của một công ty đa quốc gia bị áp thuế dưới 15% ở một quốc gia, các quốc gia khác có thể áp mức thuế bổ sung để đảm bảo mức thuế tối thiểu mà công ty đó phải nộp là 15%.

Bà Manal Corwin, trưởng bộ phận thuế của OECD, nói rằng dù các nước là trung tâm đầu tư có thể hưởng lợi trước mắt, “điều quan trọng cần theo dõi là các quyết định mà doanh nghiệp sẽ đưa ra” trong tương lai. “Các công ty có thể sẽ giảm bớt ý định đầu tư vào các trung tâm đầu tư trong tương lai, vì chi phí ở đó sẽ tăng lên do thuế tối thiểu toàn cầu”, bà Corwin phát biểu.

Báo cáo của OECD cho rằng khó đưa ra những con số dự báo chính xác về lượng thuế mà mỗi “hầm trú ẩn thuế” thu thêm được thông qua việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Rasmus Corlin Christensen, một nhà nghiên cứu thuế quốc tế tại Trường Kinh doanh Copenhagen, cũng cho rằng không phải quốc gia “hầm trú ẩn thuế” nào cũng đạt được lợi ích giống nhau.

Ông nhận định những nước như Ireland và Hà Lan, nơi các công ty đa quốc gia cất giữ một lượng lớn lợi nhuận và cũng có hiện diện lớn về mặt kinh tế, có thể sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất.

Nghiên cứu của OECD cho rằng những nước thu nhập cao như Australia, Đức, Nhật Bản và Anh sẽ là nhóm hưởng lợi nhiều thứ nhì từ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng 7-10% trong lượng thuế mà các nước này thu được từ các công ty đa quốc gia là thấp hơn nhiều so với mức tăng đạt được ở nhóm nước hưởng lợi nhiều nhất như đề cập ở trên.

Theo nghiên cứu, tất cả các quốc gia tham gia áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đạt mức tăng ít nhất 3% từ lượng thuế mà họ thu được từ các công ty đa quốc gia. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng 36% lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu hiện đang được đánh thuế thấp hơn mức15%, và khi thuế tối thiểu toàn cầu đước áp dụng, tỷ lệ đó sẽ giảm còn 7%.

OECD dự báo các chính phủ trên toàn cầu sẽ thu thêm được 155-192 tỷ USD tiền thuế mỗi năm từ các công ty đa quốc gia, tăng 6,5-8,1%. Con số dự báo này giảm từ mức 220 tỷ USD mà OECD đưa ra vào năm ngoái.

Nguồn: TBKTVN