Những xáo trộn trong danh mục bến cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 1490/QĐ-BGTVT công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.

So với Quyết định số 522/QĐ-BGTVT được công bố ngày 20/4/2022, danh mục bến cảng biển Việt Nam được bổ sung thêm 14 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, Quảng Ninh có 14 bến cảng, Hải Phòng có 50 bến, Nam Định 3 bến, Thái Bình 2 bến,Thanh Hóa 10 bến, Nghệ An 7 bến, Hà Tĩnh có 6 bến, Quảng Bình 4 bến, Quảng Trị 2 bến, Thừa Thiên - Huế 2 bến, Đà Nẵng 8 bến, Quảng Nam 3 bến, Quảng Ngãi 8 bến, Bình Định 4 bến, Phú Yên 1 bến, Khánh Hòa 17 bến, Ninh Thuận 3 bến, Bình Thuận 6 bến, Bà Rịa - Vũng Tàu có 47 bến, Bình Dương 1 bến, Đồng Nai 18 bến, TP. Hồ Chí Minh 40 bến, Long An 3 bến, Tiền Giang 2 bến, Đồng Tháp 3 bến, Bến Tre 1 bến, Vĩnh Long 3 bến, Cần Thơ 17 bến, Hậu Giang 2 bến, Sóc Trăng 1 bến, Trà Vinh 2 bến, An Giang 1 bến, Kiên Giang 4 bến và Cà Mau 1 bến.

Mặc dù giữ nguyên 296 bến cảng nhưng Quyết định số 1490 điều chỉnh về số lượng bến cảng ở nhiều khu vực.

Chẳng hạn, số lượng bến cảng tại cảng biển Hải Phòng là 50, giảm 2 bến cảng so với quyết định trước đó do không còn bến cảng Cơ khí Hạ Long và bến cảng Biên Phòng.

Tại TP. Hồ Chí Minh có 40 bến cảng, giảm 3 bến cảng so với trước đây do không còn các bến cảng Tân Cảng, bến cảng xi măng Holcim Hiệp Phước và bến cảng Nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển Ba Son.

Bên cạnh đó, hai bến cảng Bến cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang và bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee & Man thuộc về cảng biển Hậu Giang, thay vì cảng biển Cần Thơ như trước.

Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng cũng thuộc khu vực cảng biển Sóc Trăng, thay vì Cần Thơ.

Quyết định mới bổ sung một số bến cảng mới bao gồm: bến cảng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa), bến cảng chuyên dùng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và bến cảng thuộc dự án Khu phát triển Gas&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), bến cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná (Ninh Thuận), bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi).

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý, khai thác bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hàng năm tổ chức cập nhật, trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam theo quy định.

Thông tin từ Cục Hàng hải cho thấy 10 tháng năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 624,559 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức quản lý, khai thác và công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với hệ thống bến cảng trải dài từ Bắc vào Nam, cảng biển Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước.

Trong đó, sau 10 tháng, lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1% nhưng hàng nhập khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 5%.

Đáng chú ý, chấm dứt đà sụt giảm sau nhiều tháng, một số khu vực ghi nhận sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trở lại như: TP. Hồ Chí Minh tăng 2,72%; Quảng Ninh tăng 4,8%; Hải Phòng tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực có hàng thông qua nhỏ như Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế lại tăng mạnh, lần lượt tăng 59% và 44,21% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua cao là Vũng Tàu giảm 2% nhưng đây cũng là mức giảm thấp hơn so với các tháng trước.

Đối với khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển (tính theo Teus), tuy còn giảm nhưng số liệu của Cục Hàng hải cho thấy mức giảm đã thấp hơn nhiều so với những tháng trước. 

Cụ thể, khối lượng hàng container thông qua cảng biển 10 tháng đầu năm 2023 cũng giảm khoảng 3%, ước đạt 20,29 triệu Teus.

Một số khu vực có khối lượng hàng container thông qua tăng như: Đồng Tháp tăng 68%, Quy Nhơn tăng 21,28%, Đồng Nai tăng 21%; Nghệ An tăng 10% cùng kỳ năm trước. 

Dù vậy, các khu vực có khối lượng hàng container thông qua lớn như TP. Hồ Chí Minh còn giảm nhẹ 3,7%, Vũng Tàu giảm 11%, Hải Phòng giảm 1,7%.

Nguồn: TBKTVN