Reuters: Bất động sản khát vốn mới 207 tỷ USD, Trung Quốc thúc ngân hàng nhanh duyệt vay

Thông tin trên được Reuters dẫn lời từ những nguồn tin giấu tên. Động thái của cơ quan chức năng cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy tâm lý của người mua nhà.

Nỗ lực trên sử dụng cơ chế "danh sách trắng", biện pháp hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh nhằm giảm bớt tình trạng siết chặt thanh khoản chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy giao dịch mua nhà, khi giá nhà mới tháng 2 tại nước này chứng kiến tháng sụt giảm thứ 8 liên tiếp.

Hầu hết các ngân hàng hàng đầu tại Trung Quốc đến nay vẫn tránh mở rộng đáng kể mức độ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, mặc dù Bắc Kinh liên tục đưa ra các biện pháp.

Ngành bất động sản Trung Quốc đã chao đảo từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác kể từ năm 2021, sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp bất động sản lạm dụng đòn bẩy để tăng trưởng, dẫn đến khủng hoảng thanh khoản.

Reuters dẫn lời nguồn tin giấu tên cho hay, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NFRA) đang muốn thúc tiến độ phê duyệt khoản vay nhanh hơn cho các dự án nhà ở theo cơ chế “danh sách trắng” có hiệu lực từ tuần trước.

Theo thông tin từ doanh nghiệp bất động sản và các báo cáo ngân hàng, các ngân hàng Trung Quốc không muốn cấp các khoản vay mới cho các dự án bất động sản, mà chủ yếu kéo dài thời gian đáo hạn và giảm lãi suất của các khoản vay hiện có.

Một nguồn tin giấu tên của Reuters cho hay "danh sách trắng" của Trung Quốc gồm có các dự án của các nhà phát triển bất động sản tư nhân và các doanh nghiệp bất động sản được nhà nước hậu thuẫn, cần lượng vốn mới trị giá 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 207,51 tỷ USD).

Nguồn tin thứ hai cho biết, trong chỉ thị tuần trước, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc đã cho các ngân hàng thời hạn đến cuối tháng 6 phải hoàn tất việc phê duyệt và giải ngân tất cả các khoản vay.

Nguồn tin cho biết thêm: "Cơ quan đó nhắc lại rằng các ngân hàng nên đối xử bình đẳng với các dự án được phát triển bởi doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước".

"Các ngân hàng nhận thức rất rõ rằng họ có thể mất tiền khi giải ngân các khoản vay (bất động động) này. Nhưng quyết định không hoàn toàn phụ thuộc vào họ", ông Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Gavekal Dragonomics, cho biết.

Được công bố vào tháng 1/2024, cơ chế "danh sách trắng" của Trung Quốc cho phép chính quyền các thành phố đề xuất các dự án nhà ở phù hợp để các ngân hàng hỗ trợ tài chính và phối hợp với họ để đáp ứng yêu cầu của dự án.

Việc các ngân hàng Trung Quốc không muốn cấp tín dụng mới cho lĩnh vực bất động sản đang suy yếu, xuất phát từ lo ngại về tác động đến chất lượng tài sản và lợi nhuận của họ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu vay suy yếu và nền kinh tế đang chững lại.

Dữ liệu Tập đoàn Giao dịch chứng khoán London (LSEG) chỉ ra rằng, ba trong số 5 ngân hàng hàng đầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sẽ công bố lợi nhuận ròng sụt giảm trong năm 2023, còn hai đơn vị cho vay khác dự kiến​đạt tăng trưởng lợi nhuận thấp.

Dữ liệu cũng cho thấy biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng được dự đoán sẽ tiếp tục bị thắt chặt và giảm xuống ngưỡng thấp kỷ lục từ 1,29 - 1,74%, dưới mức 1,8% mà các nhà quản lý cho là cần thiết để đạt lợi nhuận hợp lý.

Đối mặt với áp lực lợi nhuận, để thực hiện một phần cơ chế "danh sách trắng", các ngân hàng mới chỉ điều chỉnh kế hoạch trả nợ đối với các khoản vay hiện có, theo 3 nhà phát triển bất động sản tư nhân Trung Quốc. Hơn nữa, tất cả các khoản vay chỉ được cấp cho dự án ở các thành phố lớn.

Thế nhưng, giám đốc điều hành giấu tên của một nhà phát triển bất động sản tư nhân tại Trung Quốc cho biết công ty của vị này đã được phía ngân hàng thông báo rằng nguồn tín dụng mới có thể được cấp ngay vào cuối tháng này.

Nguồn: Báo Đầu tư