Sức hút của Việt Nam đối với doanh nghiệp các nước Bắc Âu

Khu vực Bắc Âu có tổng diện tích khoảng 1,5 triệu km2 với dân số gần 33 triệu người bao gồm các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Litva, Latvia, Estonia. Trong đó, Thụy Điển là nước đầu tiên ở khu vực này thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (vào ngày 11/1/1969). Về kinh tế, mặc dù quy mô khác nhau nhưng các nước này đều có nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân thuộc hàng cao nhất thế giới.

MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – THỤY ĐIỂN CẦN ĐI XA HƠN

Năm 2024 là dấu mốc lớn kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Qua 55 năm, mối quan hệ giữa Việt Nam với Thụy Điển luôn gắn bó và không ngừng được củng cố và phát triển theo chiều sâu. Hợp tác song phương giữa Việt Nam – Thụy Điển ngày càng được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các chính đảng của Thụy Điển qua các cuộc tiếp xúc làm việc với Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trên kênh đảng, nhà nước và giao lưu nhân dân.

Cuối năm 2023, trong chuyến thăm và làm việc tại Thụy Điển, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đã đề nghị với phía bạn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh (như: công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng xanh) nhằm phát huy hơn nữa các tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.

Mới đây, đầu tháng 3/2024, ngài Håkan Jevrell, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển, trong chuyến công tác tại Việt Nam cũng đã khẳng định: “Nên đưa mối quan hệ này đi xa hơn và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với tư cách là đối tác để giải quyết các vấn đề trong tương lai trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh là quan trọng nhất…”.

Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững. Ngài Håkan Jevrell cũng cho biết “Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ để tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, các giải pháp lưu trữ năng lượng.

Đồng thời, ông mong muốn Tổ chức tài trợ phát triển của Thụy Điển “Swedfund” sẵn sàng hỗ trợ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong việc thiết lập các cơ chế để nhận được những khoản tài trợ đối với việc nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh”. Thụy Điển luôn coi trọng và đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của mình, Quốc Vụ khanh Håkan Jevrell cùng bày tỏ mong muốn nhanh có đường bay trực tiếp Hà Nội – Stockholm giúp cho việc kết nối hợp tác thuận lợi hơn.

Hội nghị thường niên các CEO Bắc Âu diễn ra từ ngày 10 - 12/3/2024 tại Thủ đô Hà Nội, một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu.

Nhà tài trợ chính là SEB, ngân hàng lớn nhất Bắc Âu có trụ sở tại Thụy Điển, hài lòng khi chọn Thủ đô Hà Nội để tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy cho giới doanh nhân Bắc Âu. “90 giám đốc điều hành (CEO), chủ tịch tập đoàn từ các nước Bắc Âu đã đến sự kiện này và họ có cái nhìn rất tích cực về Việt Nam cũng như các cơ hội làm ăn ở đây”, ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch SEB, cho biết.

TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI HỢP TÁC VỚI CÁC NƯỚC BẮC ÂU 

Tại hội nghị ngày 12/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ Việt Nam thông tin đến các doanh nghiệp Bắc Âu những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cùng những cam kết với họ.

Khoảng 50% trong số các doanh nghiệp tham dự hội nghị lần này chưa có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các vấn đề mà phái đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã thảo luận với phía Việt Nam rất khác nhau, như: cách thức kinh doanh, năng lực của Việt Nam là gì và những thách thức.

Hiện, mối quan tâm tìm hiểu của các nước Bắc Âu để hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số, nguồn năng lượng sạch và phát triển bền vững. Theo ông Marcus Wallenberg, Việt Nam đang đạt được sự phát triển kinh tế tuyệt vời và cam kết tăng cường hợp tác mạnh mẽ để tiếp tục đạt những mục tiêu cao hơn. Điều sẽ thu hút các nhà đầu tư trong tương lai là đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, với các chính sách và thủ tục dễ dàng tiếp cận. Tất cả các quốc gia đều cố gắng thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua các chính sách thu hút đầu tư. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tạo ra sự thay đổi để xây dựng một môi trường tốt hơn.

Cũng tại hội nghị của các CEO này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nhắc tới sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu nói riêng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho biết khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiện, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam là có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ôtô điện...; công nghệ lõi tiềm năng như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công nghệ cao…

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Bắc Âu tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong việc củng cố “các chuỗi cung ứng”, bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững...

Nguồn: TBKTVN