Tân Thủ tướng Thái Lan với kế hoạch vực dậy tăng trưởng kinh tế

Chỉ sau hơn một tuần lên cầm quyền, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố một loạt biện pháp quyết liệt để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các chính sách mới bao gồm phát tiền cho dân để kích cầu, xử lý tình trạng leo thang của giá xăng dầu, và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách Trung Quốc.

Việc ông Srettha - một thành viên của Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) và một doanh nhân bất động sản mới gia nhập chính trường - trở thành Thủ tướng đã chấm dứt quãng thời gian 4 tháng bất ổn chính trị ở Thái Lan khi Quốc hội nước này không thông qua được việc thành lập chính phủ.

Lên cầm quyền, ông Srettha đối mặt với kỳ vọng lớn và những đòi hỏi cấp bách phải giải quyết một loạt vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm. Đồng thời nắm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông tiếp quản một nền kinh tế mà các đầu tàu tăng trưởng chính đều đang đuối sức: du lịch phục hồi chậm, nhu cầu của thị trường Trung Quốc giảm sút và tình trạng hạn hán ở nhiều khu vực của Thái Lan đe dọa sản lượng của các loại nông sản chính như lúa gạo và mía đường.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng trước Quốc hội Thái Lan, ông Srettha ví kinh tế Thái Lan đang giống như một “người ốm", rằng đại dịch đã làm cho các thách thức bấy lâu trở nên trầm trọng hơn và nền kinh tế đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. “Du lịch và tiêu dùng đang phục hồi quá chậm, đến mức đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Chúng ta cần phải kích thích nền kinh tế bằng cách chi tiêu nhiều hơn”, ông nói.

MỘT LOẠT CHÍNH SÁCH MỚI
“Kê đơn” cho nền kinh tế, vị tân Thủ tướng đề xuất các biện pháp kích cầu, bao gồm phát số tiền 10.000 Baht Thái (khoảng 280 USD) cho tất cả người dân từ 16 tuổi trở lên. Số tiền dự kiến sẽ được phân phát vào “ví kỹ thuật số” trên điện thoại di động của từng người bằng công nghệ Blockchain. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn 560 tỷ Baht, tương đương 16 tỷ USD, và sẽ sẵn sàng được triển khai trước cuối quý 1/2024.  “Số tiền này sẽ được phân phát ở tất cả các khu vực và góp phần tạo công ăn việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế, từ đó Chính phủ sẽ tăng được thu ngân sách”, ông Srettha nói.

Bên cạnh đó, ông Srettha cam kết hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề nợ nần trong nền kinh tế, nhấn mạnh rằng nợ công của Thái Lan năm nay đã tăng lên mức hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP), trong khi nợ của các hộ gia đình đã tăng lên mức hơn 90% GDP. Ông còn hứa sẽ hạn chế đà tăng giá xăng dầu và có các biện pháp để kích cầu du lịch, bao gồm miễn phí visa cho du khách từ một số quốc gia nhất định và nâng cấp sân bay để tăng số chuyến bay tới Thái Lan.

Với tinh thần hành động gấp rút, Chính phủ Thái Lan trong tuần qua cũng đã phê chuẩn một loạt biện pháp để thực thi các cam kết mà Thủ tướng Srettha đã đưa ra, bao gồm cắt giảm thuế đối với dầu diesel, gia hạn nợ cho nông dân và miễn visa đối với du khách Trung Quốc.

Cụ thể, Chính phủ sẽ giảm 2,5 Baht (0,07 USD) tiền thuế cho mỗi lít dầu diesel để đưa giá bán lẻ loại nhiên liệu này xuống dưới mức 30 Baht/lít từ ngày 20/9/2023 cho tới hết năm. Thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ giữ ở mức 7% hiện tại trong 1 năm nữa. Việc trả nợ của nông dân và doanh nghiệp nhỏ sẽ được hoãn 3 năm. Đối với du khách Trung Quốc, việc nhập cảnh vào Thái Lan sẽ không đòi hỏi thị thực từ ngày 25/9 cho tới hết tháng 2 năm sau.

Giới phân tích đánh giá Chính phủ mới của Thái Lan đang đặt cược lớn vào du lịch để vực dậy nền kinh tế, trong đó du khách Trung Quốc giữ một vai trò chủ lực. Trước năm 2019 - thời điểm Covid xuất hiện - du khách Trung Quốc chiếm khoảng 28% du khách nước ngoài đến Thái Lan. Năm 2019, Thái Lan đón 39,9 triệu lượt khách quốc tế, một con số kỷ lục, bao gồm 11 triệu du khách từ Trung Quốc.

Chính phủ liên minh gồm 11 đảng của ông Srettha đạt mục tiêu đón 28 triệu du khách quốc tế thăm nước này trong năm nay, với tổng mức chi tiêu 1,4 nghìn tỷ Baht, tương đương hơn 39 tỷ USD, và 40 triệu du khách vào năm 2024. Nước này phấn đấu thu hút được 5 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2023. 

“Du lịch là đầu tàu tăng trưởng duy nhất ở thời điểm này còn đang chạy, và đó là nguồn hy vọng tạo thu nhập cho quốc gia”, người phát ngôn Chai Wacharonke của Chính phủ Thái Lan nói tại một cuộc họp báo.

Các mục tiêu dài hạn mà ông Srettha đặt ra bao gồm tăng cường thương mại quốc tế, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện sản xuất nông nghiệp, trao thêm quyền cho các chính quyền địa phương và tăng cường khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất. Ông cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách mới một cách sớm nhất có thể, bao gồm tăng lương tối thiểu cho người lao động.

SỰ HOÀI NGHI CỦA GIỚI CHUYÊN GIA
Hội đồng Thương mại Thái Lan (ThaiCham) đánh giá các biện pháp của Chính phủ mới sẽ giúp nền kinh tế Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng 3% trong năm nay so với mức tăng 2,6% của năm ngoái. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Krisada Chinavicharana tỏ ra thận trọng hơn, dự báo nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm nay so với mức dự báo tăng 3,5% mà Bộ này đưa ra hồi đầu năm.

Kế hoạch phân phát số tiền 560 tỷ Baht cho người dân Thái Lan của Thủ tướng Srettha đang vấp phải sự hoài nghi của giới chuyên gia kinh tế.

Tại một cuộc hội thảo do Hiệp hội Nhà báo Thái Lan tổ chức hôm 14/9, nhà nghiên cứu Nonarit Bisonyabut thuộc Viện Quỹ nghiên cứu phát triển Thái Lan (Thailand Development Research Institute Foundation) nhận định: kế hoạch này chỉ là một giải pháp kích cầu ngắn hạn thay vì mang lại hiệu quả dài hạn. Ông Nonarit giải thích rằng trước khi kích cầu, Chính phủ cần xác định chắc chắn số tiền cần bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu.

Để xác định con số, vị chuyên gia đề xuất so sánh mức tăng trưởng thực tế của nền kinh tế Thái Lan với mức tăng trưởng được kỳ vọng. “Nền kinh tế Thái Lan đáng ra phải tăng trưởng 3,7-3,8%. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương cho thấy mức tăng chỉ đạt 2,8%. Bởi vậy, mức thiếu hụt là 1 điểm phần trăm. “GDP của Thái Lan là 17 nghìn tỷ Baht, nên 1% của GDP sẽ là khoảng 100-200 tỷ Baht. Bởi vậy, con số 560 tỷ Baht là quá thừa và đặt Thái Lan trước nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế khác như lạm phát”, ông Nonarit nói.

Với tính toán như vậy, ông Nonarit đề xuất Chính phủ mới giảm chi tiêu và sử dụng một phần tiền đó để cải thiện phúc lợi xã hội cho người dân.

Về phần mình, Thủ tướng Srettha dự định sẽ dùng tiền ngân sách và số tiền thuế tăng thêm từ hoạt động kinh tế gia tăng nhờ kích cầu để thực hiện kế hoạch phát tiền trên. Bộ Tài chính Thái Lan cũng khẳng định Chính phủ sẽ không đi vay để thực hiện kế hoạch phát tiền.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học của Bank of America Securities và Nomura Holdings đều cho rằng kế hoạch này sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách, khiến Thái Lan không còn nhiều dư địa để hấp thụ các cú sốc có thể xảy đến trong tương lai...

Nguồn: TBKTVN