Thu hút đầu tư vào Đông Nam bộ: Chỗ bứt tốc, nơi hụt hơi

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu bứt tốc

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khi đến tham dự Hội nghị Triển khai quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cuối tháng 3/2024 tỏ ra bất ngờ khi thấy thu hút đầu tư vào tỉnh trong quý I/2024 vượt tổng vốn của năm 2023.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong quý I/2024, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 23 dự án trong và ngoài nước (trong đó có 13 dự án FDI, vốn đầu tư hơn 1,56 tỷ USD), với tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng, đạt hơn 90% kế hoạch năm 2024 và vượt so với cả năm 2023 (gần 51.000 tỷ đồng).

Một điểm sáng khác về thu hút FDI của vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai. Số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho thấy, trong quý I/2024, thu hút FDI của tỉnh đạt 571,3 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 700 triệu USD vốn FDI, như vậy đến hết quý I/2024, đã hoàn thành 81% kế hoạch năm.

Trong khi Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang bứt phá mạnh mẽ trong thu hút FDI, thì Bình Dương và TP.HCM đang có sự chững lại sau nhiều năm đạt kết quả cao. Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2024, thu hút FDI vào TP.HCM chỉ đạt 459,7 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ; còn Bình Dương đạt 158,3 triệu USD, giảm 36,1% so với cùng kỳ.

Việc Bình Dương và TP.HCM chững lại trong thu hút FDI không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, vì sau nhiều năm thu hút được các tập đoàn lớn, quỹ đất công nghiệp ở 2 địa phương này dần bị thu hẹp, các khu công nghiệp mới chưa xây dựng. Đơn cử, Bình Dương sau khi thu hút được Dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego thì vốn FDI tăng vọt, nhưng những năm sau đó không thu hút được dự án lớn, nên số vốn FDI giảm khá mạnh.

Vì sao nhà đầu tư đổ về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu?

Việc các nhà đầu tư nước ngoài dồn dập đổ về Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, 2 địa phương này đang có những lợi thế lớn so với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là lợi thế về hạ tầng.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương mà JETRO khuyên doanh nghiệp nên đến đầu tư. Địa phương này có nhiều lợi thế như: có cảng Cái Mép Thị Vải và Sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng); giàu tài nguyên dầu khí và có kho tiếp nhận LNG, cung cấp điện ổn định; có hai trường đại học; nằm kế cận Đồng Nai và Bình Dương - hai địa phương có nhiều nhà máy đảm bảo cung cấp cho chuỗi cung ứng.

“Điều quan trọng là, Bộ phận một cửa Nhật Bản đã được thành lập trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu để hỗ trợ sâu rộng và giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản. Tôi tin rằng, đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút đầu tư vào tỉnh”, ông Nobuyuki Matsumoto nêu lợi thế.

Nói về lý do chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đến đầu tư, ông Lee Sang-Woon, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung đánh giá, nơi đây là cửa ngõ hàng hải, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn. Hysoung đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào nhà máy sản xuất Polypropylene và LPG. Tập đoàn cũng lên kế hoạch đầu tư 730 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất Bio-BDO với công suất 200.000 tấn/năm.

“Hyosung sẽ phấn đấu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp sinh học và cùng chính quyền tỉnh nỗ lực tạo ra một trung tâm toàn cầu về công nghiệp sinh học tại đây”, ông Lee Sang-Woon nói.

Nguồn: Báo Đầu tư