Thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh với nền kinh tế quy mô 3.000 tỷ USD
Chiều ngày 10/9, nhân chuyến thăm của đoàn đại biểu phòng thương mại Ấn Độ (India Chamber of Commerce – ICC), Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Liên minh Tư vấn Đầu tư Quốc tế (Invest Global) và Phòng Thương mại Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Giao lưu Doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam".
Hơn 50 đại diện các doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực đã tham dự hội thảo nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối kinh doanh; góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam – Ấn Độ, dựa theo Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện cũng như kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2028, đã được Thủ tướng hai nước thông qua trong tháng 8 vừa qua.
Phát biểu tại sự kiện , ông Chinpau Ngaihte, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã vượt qua 14 tỷ USD vào năm 2023. Trên cơ sở hợp tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam, các hợp tác song phương giữa hai quốc gia được mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đề xuất nâng kim ngạch quan hệ thương mại song phương giữa hai nước lên 20 tỷ USD trong tương lai gần.
Hơn 50 đại diện doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ đã tham dự sự kiện chiều 10/9. Ảnh: Tuấn Dũng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, dược phẩm, công nghệ thông tin, chế biến chè, chế biến cà phê, năng lượng tái tạo, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí,… đã hoạt động thành công tại thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp khác từ Ấn Độ đang xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như chế biến khoáng sản, dược phẩm, xử lý rác thải, công nghệ thông tin, hạ tầng cảng biển, nông sản…
Ngoài ra, với mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế Ấn Độ lên 5 nghìn tỷ USD, Chính phủ Ấn Độ đã và đang đưa ra nhiều chính sách tăng trưởng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và kiến tạo nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp quốc tế có thể phát triển. Do đó, Chính phủ Ấn Độ hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam xem xét đầu tư tại thị trường Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như điện tử, xe điện, chế biến lâm sản, viễn thông, công nghệ số và du lịch. “Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp có thể nắm lấy cơ hội hợp tác, phát triển này.”, ông Chinpau Ngaihte nhấn mạnh.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, các dự án phát triển hạ tầng, thương mại du lịch…, ông Bùi Trọng Thoan, Phó Tổng giám đốc Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế (Invest Global), cho biết hiện doanh nghiệp đã ký kết nhiều thoả thuận với phòng thương mại, hiệp hội lớn của Ấn Độ từ đó tìm kiếm, kiến tạo các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo TS Rejeev Singh, Tổng Giám đốc Phòng thương mại Ấn Độ, trưởng đoàn đại diện ICC, trong năm qua, ICC có 9 chương trình hợp tác với Việt Nam, trong đó có 5 phái đoàn Ấn Độ sang Việt Nam công tác và 4 phát đoàn từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Sau Covid-19, trật tự thế giới có những thay đổi đáng kể. Ấn Độ đang trải qua cuộc cách mạng mạnh mẽ với quy mô dân số là 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ về người dân thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Do vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chọn Ấn Độ là đối tác tin cậy, mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam luôn là quốc gia giữ được mối quan hệ tốt đẹp với Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Ấn Độ.
Các đại biểu tham dự sự kiện Giao lưu Doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam. Ảnh: Tuấn Dũng
Theo ông Indronil Sengupta, Chủ tịch Phòng thương mại Ấn Độ tại Hà Nội, có 3 nguyên nhân chính lý giải cho những chuyển động tích cực trên.
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia có dân số đạt gần 100 triệu người và đang ở độ chín của dân số với khả năng tiêu thụ cao.
Thứ hai, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN về ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia lớn, các tổ chức lớn trên thế giới. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp Ấn Độ có thể dễ dàng tiếp cận được với đa quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ Chính phủ Việt Nam cho các đặc khu công nghiệp, đặc khu kinh tế đã giúp cho các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng và quốc tế nói chung thuận lợi tham gia vào thị trường, giảm bớt được những thời gian cũng như các thủ tích hành chính để nhanh chóng đưa hệ thống nhà máy, dây chuyền sản xuất, kinh doanh vào vận hành, kinh doanh…
Nguồn: TBKTVN