TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024

1. Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm việc với TP.HCM để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng của Thành phố.

Ngày 17/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Ngày 10/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 98 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần 4.

Ngày 5/10/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để đánh giá kết quả một năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

2. Nhân dân TP.HCM thể hiện nét đẹp của Thành phố nghĩa tình và tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Năm 2024, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... đã tạo nên nét đẹp của thành phố.

Các phong trào nổi bật của nhân dân TP.HCM năm 2024 như: chung tay ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi); phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát; ủng hộ quỹ vì người nghèo...

3. HĐND TP.HCM kịp thời ban hành các chính sách triển khai các nghị quyết và các quy định của Trung ương vào cuộc sống thực tiễn.

Trong năm 2024, HĐND TP.HCM đã ban hành 46 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và phân cấp, ủy quyền...

Từ đó tạo động lực giúp thành phố từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm.

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, giúp Thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi, chuyển đổi và tăng trưởng bền vững; ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR).

Kinh tế TP.HCM năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 tăng 7,17% (gần đạt kế hoạch năm, tăng từ 7,5 - 8%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 510.000 tỷ đồng, đạt hơn 105% dự toán.

Ngày 25/9, TP.HCM khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là trung tâm thứ hai của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu của WEF.

Trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TP.HCM.

5. Chương trình Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải cách hành chính tạo dấu ấn tích cực, quan trọng

Năm 2024, TP.HCM đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số. Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc, Thành phố có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương khi chỉ số dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) của Thành phố tăng từ vị trí 54/146 (năm 2022) lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023.

Thành phố cũng triển khai Chương trình phát triển vi mạch tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030. Chương trình kỳ vọng sẽ đưa công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong năm 2024, Thành phố ra mắt ứng dụng Công dân số TP.HCM, giúp tăng cường hiệu quả giao tiếp giữa chính quyền và người dân.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng lớn mạnh với hơn 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố lên đến 5,22 tỷ USD, xếp thứ ba tại Đông Nam Á.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Kết quả đến nay, tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp Thành phố đạt 98%, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 97,55%.

6. Thành phố chính thức vận hành thương mại tuyến Metro số 1; Khởi công, khởi động lại nhiều công trình, dự án

Ngày 22/12/2024, tuyến metro số 1 chính thức vận hành thương mại. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thành phố.

Năm 2024, hàng loạt công trình được đưa vào hoạt động sau nhiều năm ngưng trệ như cầu Nam Lý, cầu Cây Khô, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...

7. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm sâu; tỷ lệ điều tra, phá án được nâng cao

Về trật tự xã hội, số vụ phạm tội về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm sâu qua từng năm. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm kéo giảm hơn 8%.

Tuy nhiên, năm 2024 ghi nhận mức giảm số vụ về trật tự xã hội cao nhất trong 10 năm. Trong 11 tháng năm 2024 ghi nhận xảy ra 3.995 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 1.121 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng 22%.

Công an TP.HCM đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 Thành phố thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, hướng tới mục tiêu xây dựng một Thành phố "sạch" ma túy. Nổi bật trong đó là công tác chuyển hóa, xây dựng địa bàn không tội phạm và tệ nạn ma túy.

8. Nhiều hoạt động nổi bật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM xây tặng Điện Biên Dự án Lưới điện nông thôn huyện Điện Biên Đông (50 tỷ đồng).

Thành phố cũng hỗ trợ thực hiện các hạng mục tại Di tích đồi E2 (35 tỷ đồng trong 2 năm 2024, 2025), tổng kinh phí hỗ trợ là 85 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM hỗ trợ xây tặng 200 căn nhà tình nghĩa với kinh phí 10 tỷ đồng.

Hòa với niềm vui chung của cả nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như họp mặt các thế hệ "Bộ đội Cụ Hồ", tuần lễ sách về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…

9. TP.HCM là Thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Năm 2024, TP.HCM vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Thành phố hướng đến mục tiêu đến năm 2030 xây dựng một môi trường học tập toàn diện và hiện đại, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số.

Trong lĩnh vực y tế, lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập của TP.HCM là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. 

10. TPHCM - Thành phố của Công nghiệp Văn hóa, Du lịch, Thể thao cộng đồng; điểm hẹn của lễ hội và sự kiện

Năm 2024, TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa.

Thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch với sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hozo; Anh trai "Say Hi"; Anh trai vượt ngàn chông gai; Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM, Lễ hội Sông nước...

Năm 2024, ngành du lịch TP.HCM tăng tốc, vượt qua thách thức khi doanh thu ngành du lịch đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt, khách quốc tế đạt 6 triệu lượt.

Đặc biệt, năm 2024, ngành du lịch TP.HCM vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín của thế giới: Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á; Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á; Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á...

Nguồn: Báo Đầu tư