TP.HCM tiếp tục giữ vị trí “quán quân” về xuất khẩu

Năm 2023 được coi là năm xuất khẩu với nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn chính trị và an ninh thế giới. Tại Việt Nam, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng; trong đó, TP.HCM có lúc đã tụt lại phía sau trong từng thời điểm của năm.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của TP.HCM đạt 42,46 tỷ USD và tiếp tục dẫn đầu cả nước. Kết quả này có giảm khoảng 5,1 tỷ USD so với năm 2022.

Bám sát TP.HCM là tỉnh Bắc Ninh - địa phương có những tháng trong năm 2023 từng vượt qua TP.HCM vươn lên dẫn đầu cả nước về xuất khẩu.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2023 đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,05 tỷ USD) so với năm 2022; có 9 địa phương trong số 63 tỉnh, thành cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Bao gồm: TP.HCM 42,46 tỷ USD; Bắc Ninh 39,3 tỷ USD và giảm 12,7% (đứng thứ 2); Bình Dương đạt 30,6 tỷ USD và giảm 10,87% (đứng thứ 3); Thái Nguyên đạt 25,7 tỷ USD và giảm trên 14% (đứng thứ 5); Đồng Nai đạt 21,62 tỷ USD và giảm 12,1% (đứng thứ 7); Hà Nội đạt 16,65 tỷ USD và giảm hơn 3,1% (xếp thứ 8); Phú Thọ đạt 10,58 tỷ USD và giảm 10,34% (xếp thứ 9).

Riêng 2 địa phương trong số 9 địa phương xuất khẩu chủ lực năm 2023 là TP. Hải Phòng và tỉnh Bắc Giang có tăng trưởng xuất khẩu dương. Cụ thể: Hải Phòng đạt 26,8 tỷ USD, tăng 7,37% so với năm 2022 tương đương kim ngạch tăng thêm 1,84 tỷ USD (vượt qua Thái Nguyên so với năm 2022 và đứng thứ tư); và Bắc Giang đạt kim ngạch 24,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2022 tương đương kim ngạch tăng thêm gần 1,9 tỷ USD (đứng thứ 6). 

Tính chung năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% tương ứng giảm 17,05 tỷ USD so với năm 2022. Trong đó, TP.HCM và 8 địa phương nhóm chủ lực đạt 238,21 tỷ USD, chiếm 67,16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng tỉnh Hải Dương, do kim ngạch xuất khẩu năm 2023 chỉ đạt 9,45 tỷ USD nên đã rời khỏi "Top 10" địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện năm 2024 của TP.HCM, ngày 12/01/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết Thành phố đặt yêu cầu nâng tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5 - 8% (tương đương tăng 1,2 - 1,3 lần so với năm 2023).

Về thu hút đầu tư FDI, kết thúc năm 2023, TP.HCM đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với 2022 và chiếm khoảng 16% vốn của 63 địa phương cả nước (36,6 tỷ USD), và là một điểm sáng của môi trường đầu tư thành phố.

Về thương mại, xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, TP.HCM đề ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu thành phố tăng 10%.

Doanh nghiệp FDI đã giúp kim ngạch xuất khẩu TP.HCM tăng trưởng ổn định.

Doanh nghiệp FDI đã giúp kim ngạch xuất khẩu TP.HCM tăng trưởng ổn định.

Được biết, liên tục các năm gần đây, TP.HCM là địa phương liên tiếp giữ vị thế “quán quân” xuất khẩu cả nước. Theo đó, năm 2022 TP.HCM đạt kim ngạch xuất khẩu 47,5 tỷ USD cao nhất cả nước. Bắc Ninh đứng thứ 2 với 45 tỷ USD; Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng lần lượt thứ hạng 3, 4, 5 với kim ngạch xuất khẩu tương ứng 34,3 tỷ USD, 29,8 tỷ USD và 24,9 tỷ USD.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đạt 44,902 tỷ USD và dẫn đầu cả nước. Các địa phương còn lại trong “Top 5” gồm Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng. Năm 2020, TP.HCM đạt kim ngạch xuất khẩu 44,4 tỷ USD đứng đầu cả nước; 4 địa phương nêu trên nằm trong “Top 5” cùng với TP.HCM.

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Kinh tế vĩ mô TP.HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” (Báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM), do Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Cục Thống kê TP.HCM phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo rằng TP.HCM hoàn toàn không nên nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá mà làm chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.

Tại buổi tọa đàm này, các chuyên gia cũng lưu ý chính quyền TP.HCM cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của TP.HCM tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP.HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.

Được biết, ngoài hai thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của TP.HCM là Mỹ (đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022) và Trung Quốc (đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022) thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là 3 thị trường tiềm năng của xuất khẩu TP.HCM. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vào 3 thị trường nói trên còn khiêm tốn, với tỷ trọng lần lượt là Nhật Bản 7,16%, Hàn Quốc 4,31% và Ấn Độ 1,41%.

Nguồn: TBKTVN