Triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Dữ liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nhẹ lần đầu trong năm 2023. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở khu vực eurozone với quy mô lớn trong thời gian tới.

Theo ước tính của Destatis, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm 2023 thấp hơn 0,3% so với năm 2022.

“Nền kinh tế Đức đã chững lại trong năm 2023 và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong môi trường có nhiều cuộc khủng hoảng đồng thời xảy ra”, Chủ tịch Destatis Ruth Brand nhận định.

 

Dù lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giá cả vẫn duy trì ở mức cao trong toàn bộ nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gây cản trở cho đà tăng trưởng kinh tế. Lãi suất tăng lên khi nhu cầu trong và ngoài nước yếu hơn đã gây ra những hậu quả đáng kể.

Theo ước tính sơ bộ từ cơ quan thống kê, GDP của Đức trong quý IV đã giảm 0,3% so với quý III. Diễn biến này xảy ra sau một thời gian dài trì trệ trong khoảng 3 tháng cho đến cuối tháng 9. Trước đó, Đức đã tránh được một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm, sau khi chứng kiến GDP giảm 2 quý liên tiếp.

Triển vọng không tích cực cũng được ghi nhận đối với toàn bộ khu vực eurozone. Đức là nền kinh tế lớn nhất trong số 20 nền kinh tế ở khu vực, do đó tình hình không mấy lạc quan của nước này có thể gây ảnh hưởng đến eurozone. Cuộc khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy hơn 75% các nhà kinh tế dự đoán châu Âu sẽ tăng trưởng yếu hoặc rất yếu trong năm 2024.

Trong khi đó, theo cuộc khảo sát từ tháng 11 đến tháng 12, hơn 1/2 số nhà kinh tế tham gia dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm nay.

Bà Saadia Zahidi, Giám đốc Điều hành WEF, cho biết cuộc khảo sát đã chỉ ra sự bấp bênh của môi trường kinh tế hiện tại.

Sự bấp bênh có thể thấy rõ nhất ở khu vực nền kinh tế toàn khối sử dụng đồng tiền chung. Cụ thể, hoạt động sản xuất đã giảm nhẹ trong quý III/2023. Số liệu trong quý IV, dự kiến được công bố vào ngày 30/1, sẽ cho thấy liệu khu vực này có rơi vào một cuộc suy thoái trong cuối năm 2023 hay không.

Ngoài ra, Destatis cũng cho biết 2023 là một năm rất khó khăn với ngân sách liên bang. Chi phí vay vốn cao hơn, các khoản viện trợ năng lượng lớn và nhiều khoản chi khác đã đẩy mức thâm hụt ngân sách lên tình trạng “báo động đỏ”.

Đà sụt giảm GDP của Đức phản ánh sự yếu kém của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất đã hứng chịu thiệt hại lớn, do sự giảm tốc của nhu cầu ở Trung Quốc bên cạnh việc mất đi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga.

 

Theo Destatis, sản xuất ô tô và các thiết bị vận tải khác ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, nhưng sản lượng lại giảm trong các ngành công nghiệp kim loại và hóa chất sử dụng nhiều năng lượng. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp, không bao gồm xây dựng, giảm 2% trong khi xuất khẩu giảm 1,8%.

Chi tiêu của hộ gia đình và chính phủ Đức cũng giảm, đánh dấu lần đầu tiên sau gần 20 năm. Destatis cho biết điều này là do việc ngừng các biện pháp kích cầu liên quan tới đại dịch COVID-19, chẳng hạn như tiêm chủng và bồi thường cho các bệnh viện để có giường miễn phí.

Triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 vẫn còn mờ mịt. Sau khi kết thúc năm 2023, nền kinh tế Đức đã có một khởi đầu khó khăn khi vừa bước sang năm mới. Nước này đã phải đối mặt với cuộc đình công kéo dài 3 ngày của nhân viên đường sắt quốc gia về vấn đề lương và thời gian làm việc. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình chặn đường cao tốc và các con đường khác của nông dân để phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp nhiên liệu của chính phủ cũng gây ra những sự gián đoạn trong hoạt động du lịch tại nước này.

“Áp lực suy thoái đã kéo dài từ cuối năm 2022 có vẻ sẽ tiếp tục trong năm nay. Có thể kinh tế Đức sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 0% trong năm 2024”, ông Andrew Kenningham, Nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Capital Economics, cho biết, sau khi chính phủ Đức cắt giảm kế hoạch chi tiêu công.

Điểm sáng duy nhất trong dữ liệu kinh tế Đức thị trường việc làm, tăng kỷ lục 0,7%, tương đương 333.000 người so với năm 2022, nâng tổng số người đang làm việc lên 45,9 triệu người. Sự gia tăng này là do sự tham gia của lao động nước ngoài và ngày càng nhiều người dân địa phương tham gia lực lượng lao động, theo Destatis. Điều này đã phần nào đã bù đắp cho những tác động kinh tế khi dân số già chiếm tỉ lệ nhiều hơn ở Đức.

Nguồn: Nhipcaudautu