Quay lại

Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhiều chưa từng thấy

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới, khi lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch phát triển bùng nổ của nước này đang có xu hướng mở cơ sở sản xuất ở nước ngoài để tránh thuế quan của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - theo tờ báo Financial Times.

Số liệu từ Bộ Thương mại và Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cho thấy giá trị đầu tư trực tiếp tính bằng đồng nhân dân tệ của này vào các quốc gia khác tăng 12,5% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 789,45 tỷ nhân dân tệ, tương đương 112,5 tỷ USD. Cả năm ngoái, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng 6% so với năm trước đó, đạt 1,04 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Các nhà phân tích thuộc Climate Energy Finance (CEF) - một công ty nghiên cứu ở Sydney, Australia - ghi nhận một “cơn sóng thần” đầu tư từ Trung Quốc vào các dự án năng lượng tái tạo và điện hóa giao thông ở các quốc gia khác. Theo ước tính của CEF, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty Trung Quốc đã cam kết rót 109,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 130 dự án công nghệ sạch.

Trung Quốc đang theo đuổi chủ trương thúc đẩy ngành sản xuất, bao gồm các công nghệ thế hệ mới và công nghệ năng lượng sạch, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế trong nước đang suy yếu. Đây cũng là một cách để Bắc Kinh đưa nền kinh tế dịch chuyển khỏi phụ thuộc vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Giám đốc Tim Buckley của CEF nói Trung Quốc không chỉ đang xuất khẩu phần năng lực sản xuất công nghệ sạch dôi dư của nước này, mà còn xuất khẩu ngày càng nhiều công nghệ, kỹ thuật, chuỗi cung ứng và năng lực vốn.

40 dự án đầu tư công nghệ sạch lớn nhất của Trung Quốc tính theo giá trị USD từ đầu năm 2023 đến nay bao gồm các cơ sở sản xuất và dự án phát năng lượng trải rộng trong các ngành ô tô điện và pin xe, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, hệ thống lưu trữ pin và truyền tải điện - theo một báo cáo mới được CEF công bố.

Việc Trung Quốc chiếm vị thế thống lĩnh ngày càng lớn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ năng lượng sạch, cũng như các nguồn tài nguyên chủ chốt mà các công nghệ này dựa vào, đã khiến Mỹ và EU lo ngại.

Washington và Brussels đã cáo buộc chính sách công nghiệp của Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế vì tạo ra lợi thế không công bằng cho các công ty trong nước, dẫn tới tình trạng dư thừa năng lực tại thị trường nội địa và đưa ra mức giá sản phẩm thấp hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây.

Mỹ đã cảnh báo có thể cấm nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, trong khi các nước thành viên EU vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ bỏ phiếu về việc tăng thuế quan bổ sung lên tới 50% đối với ô tô điện Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ và EU cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng hoạt động ra nước ngoài để né thuế quan.

CEF lưu ý rằng làn sóng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang thúc đẩy sự hình thành các trung tâm công nghiệp mới ở những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Brazil, Hungary và Morocco. Theo dữ liệu của cả Trung Quốc và Liên hiệp quốc, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc chiếm khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2023 - năm mà dòng vốn FDI toàn cầu giảm 2%.

Hồi tháng 8, công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics đề cập đến “thay đổi mang tính cơ cấu” trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, theo hướng dịch chuyển từ các nước phương Tây sang châu Á, và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tăng lên. “Vốn FDI từ Trung Quốc đang tăng ở mức độ không thể xem nhẹ và ngang tầm với những nhà đầu tư toàn cầu như Mỹ và Nhật Bản”, nhà kinh tế Betty Wang của Oxford Economics nhận định.

Số liệu thống kê FDI chính thức của Trung Quốc thường không nhất quán, vì các cơ quan chính phủ nước này báo cáo những số liệu khác nhau và thiếu số liệu riêng về từng ngành. Nhưng xu hướng chung thể hiện qua các số liệu được Bắc Kinh đưa ra hoàn toàn phù hợp với ghi nhận của các nhà phân tích.

Nhóm nghiên cứu fDi Intelligence hồi đầu năm nay ước tính rằng đầu tư vốn ra nước ngoài của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đạt 162,7 tỷ USD vào năm 2023, con số cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận 20 năm trước đó.

Dữ liệu của fDi Intelligence cũng cho thấy dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã vượt đáng kể lượng vốn FDI vào Trung Quốc. Dòng vốn vào Trung Quốc đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa nước này với Mỹ và châu Âu cũng như lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà phân tích Xuyang Dong của CEF lưu ý rằng sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI từ Trung Quốc ra nước ngoài trùng hợp với thời điểm giá nhiều sản phẩm công nghệ sạch ở Trung Quốc giảm mạnh sau nhiều năm doanh nghiệp nước này mở rộng quy mô sản xuất trong nước. Giá mô-đun và pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã giảm một nửa trong năm nay.

Nguồn: TBKTVN