Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản tháng 9

Động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất hiện những dấu hiệu ổn định và đồng nhân dân tệ suy yếu đã làm giảm nhu cầu nới lỏng tiền tệ ngay lập tức.

Dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang "ấm lên". Nền kinh tế này đang tìm lại chỗ đứng sau đợt suy thoái, trong khi đó đồng nhân dân tệ sụt giảm đã làm giảm tính cấp bách của việc phải mạnh tay hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, tờ Nikkei Asia nhận định.

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm được Bắc Kinh giữ nguyên ở mức 3,45%, còn lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng không đổi ở mức 4,20%. Cần biết rằng, hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa theo lãi suất cho vay kỳ hạn một năm, còn lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp.

Trong một cuộc khảo sát của Reuters với 29 nhà phân tích thị trường và nhà giao dịch, tất cả những người tham gia đều dự đoán Trung Quốc không điều chỉnh lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, trong khi đại đa số họ kỳ vọng lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm sẽ ổn định.

Lãi suất cho vay cơ bản được giữ ổn định theo quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào tuần trước về việc gia hạn các khoản vay chính sách trung hạn đáo hạn và giữ nguyên lãi suất của các khoản vay đó.

Lãi suất cho vay trung hạn đóng vai trò dẫn dắt lãi suất cho vay cơ bản của Trung Quốc và các thị trường coi đây là tiền đề cho bất kỳ thay đổi nào đối với tiêu chuẩn cho vay.

Thực tế, chênh lệch lợi suất ngày càng lớn với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Mỹ, còn tăng trưởng trong nước chững lại đã gây áp lực cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, khiến đồng tiền này trượt giá hơn 5% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm đến nay. Cho bên, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực kiềm chế sự trượt giá của đồng nhân dân tệ.

Bình luận về quyết định lãi suất của Trung Quốc, ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về thị trường Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho rằng: "Việc triển khai chính sách tiền tệ giúp duy trì tốc độ ổn định và vẫn có cơ hội giảm LPR (lãi suất cho vay cơ bản - BTV) vào tháng tới".

"Biên lãi ròng không phải là trở ngại cho việc cắt giảm lãi suất vì các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động", ông Xing Zhaopeng lý giải.

Nhà phân tích của ngân hàng ANZ kỳ vọng dữ liệu kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2023 và mức tăng trưởng của nền kinh tế này có thể vượt 5%.

"Tác động của chính sách sẽ kéo dài sang vài quý tới. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo GDP năm 2023 và 2024 lên 5,1% và 4,2%", ông Xing Zhaopeng nói.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ mức dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng thương mại. Đây là lần thứ hai trong năm Trung Quốc hạ dự trữ bắt buộc để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cùng với ổn định lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, một số nhà quan sát thị trường cho rằng các biện pháp nới lỏng tài sản gần đây được thể hiện qua việc cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm và Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra thêm nhiều biện pháp kích thích chính sách trong những tháng tới.

Bà Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính UBS (Thụy Sĩ) cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán bất động sản (của Trung Quốc - BTV) sẽ ổn định dần ở mức thấp trong những tháng tới, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tốc độ chậm hơn trên nền tảng cao".

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP thực tế (của Trung Quốc - BTV) đạt 4,8% trong năm 2023. Diễn biến suy thoái bất động sản, mức độ và tốc độ nới lỏng chính sách vẫn là yếu tố không chắc chắn lớn nhất đối với quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai", bà Wang Tao nói thêm.

Tháng trước, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm, nhưng lại khiến thị trường ngạc nhiên vì vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm.

Nguồn: báo Đầu tư