Từ 1/7: Giảm thuế VAT, một số nhóm hàng không được giảm trừ

Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP (Nghị định 44) quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Nghị định 44 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

LƯU Ý MỘT SỐ NHÓM HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ KHÔNG ĐƯỢC GIẢM TRỪ
Để kịp thời thực hiện Nghị định 44 quy định giảm thuế VAT theo nghị quyết số của Quốc hội, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn.

Nghị định 44 nêu rõ Chính phủ quy định giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Một là, viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 44.

Hai là, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 44.

Ba là, công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin, chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 44.

Bốn là, việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế VAT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 44, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế VAT.

Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế VAT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 44 thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc đối tượng chịu thuế VAT 5% theo quy định của Luật Thuế VAT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế  giá trị gia tăng và không được giảm thuế VAT.

MỨC GIẢM THUẾ VAT VÀ THỦ TỤC THỰC HIỆN
Tại Nghị định 44, Chính phủ cũng quy định mức giảm thuế VAT. 

Theo đó, đối với cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định.

Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định.

Tại Nghị định 44, Chính phủ quy định trường hợp đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 44 khi lập hoá đơn VAT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT, tại dòng thuế suất thuế VAT ghi “8%”; tiền thuế VAT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.

Căn cứ hóa đơn VAT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế VAT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn VAT.    

Trường hợp đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 44, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15”.

Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 44, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn VAT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định.

Còn đối với trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 44 khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế VAT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 44 thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh quy định tại Điều 1 Nghị định 44 thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định cùng với tờ khai thuế VAT.

Về tổ chức thực hiện, để triển khai thực hiện, Chính phủ cũng quy định các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế VAT quy định tại Điều 1 Nghị định 44.

Bên cạnh đó, "tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế VAT) từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023", Nghị định 44 nêu rõ. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8% áp dụng từ tháng 7 đến hết năm 2023, sẽ gây hụt thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.

Nguồn: TBKTVN