Về đích trước hạn, ngành thuế phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán 5,5%

Nhờ những nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách luôn được ngành thuế nỗ lực, quyết tâm thực hiện xuyên suốt trong năm, thông tin từ hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024 do Tổng cục Thuế tổ chức cho thấy, tổng thu do cơ quan thuế quản lý tính đến ngày 20/12/2023 đạt 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán.

THU NGÂN SÁCH ĐẠT 101,7% DỰ TOÁN NHỜ ĐẨY MẠNH SỐ HOÁ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Năm 2023, ngành thuế triển khai nhiệm vụ, công tác thuế trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết quốc gia và khu vực trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thu hút FDI sụt giảm, không ít doanh nghiệp rơi vào thế bị động, hàng ngàn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường.

"Tổng thu do cơ quan thuế quản lý tính đến ngày 20/12/2023 đạt 1.396.430 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 1.336.487 tỷ đồng, đạt 100,4% so dự toán; có 29/63 địa phương hoàn thành dự toán thu năm 2023".

Tổng cục Thuế.

Toàn ngành thuế vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện thu quyết liệt trong những ngày cuối năm 2023. Theo đó ước thực hiện cả năm năm 2023, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 5,5% dự toán, bằng 95,4% so với thực hiện năm 2022.

Cũng theo Tổng cục Thuế, có 16/20 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán và có 08/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 47/64 cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Về đích trước hạn, ngành thuế phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán 5,5% - Ảnh 1

Với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh việc triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp và người dân.

"Kết quả tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là 165.026 tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn là 106.946 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm là 58.080 tỷ đồng", Tổng cục Thuế nêu rõ.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều thành tựu nổi bật nhờ số hoá công tác quản lý thuế được ghi nhận trong việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử và công tác kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoàn thuế giá trị gia tăng...

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế quyết liệt chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật. Nổi bật là cơ quan thuế ban hành quy trình hoàn thuế mới và áp dụng bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, triển khai vận hành ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động trong toàn ngành.

Ngành thuế cũng tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG HOÀN THÀNH DỰ TOÁN

Nhìn lại một năm đầy những biến động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Quý 4/2023 lại xuất hiện thêm xung đột ở Trung Đông; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…

Nền kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Dù ngành thuế ghi nhận nhiều kết quả khả quan nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, năm 2023 vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế khi có 24/63 địa phương đánh giá không hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. 

Cơ quan thuế địa phương chưa sâu sát tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn còn có những hạn chế nhất định, thiếu thường xuyên. Công tác quản lý hoàn thuế và hóa đơn điện tử vẫn chưa thật sự chủ động, chưa truyền thông, phản hồi kịp thời cho dư luận.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin tuy nỗ lực nhưng vẫn còn chưa đáp ứng tiến độ chuyển đổi số trong quản lý. Do đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị ngành thuế rà soát thêm những vấn đề trên để khắc phục trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chương trình công tác thuế năm 2024 được tốt hơn.

BẢY NHÓM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIÚP THU NGÂN SÁCH ĐẠT 1.486 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Phát huy những thành tích đạt được trong năm 2023, toàn ngành thuế tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn, thách thức để triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2024. Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm.

Một, tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng.

Như vậy, so với ước thực hiện năm 2023, dự toán thu ngân sách ngành thuế quản lý năm 2024 cao hơn khoảng 40.000 tỷ đồng (khoảng 3%) nhưng cao hơn dự toán được giao năm 2023 lên tới 113.000 tỷ đồng, tương ứng 8,2%.

Toàn ngành thuế tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, cùng chung sức đồng lòng triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2024

Hai, thực hiện tốt chương trình xây dựng chính sách pháp luật về thuế, hoàn thiện quy trình quản lý thuế theo thông lệ quốc tế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế, kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống.

Đồng thời, xây dựng, nâng cấp kịp thời các ứng dụng quản lý phục vụ cho công tác quản lý thuế, đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả.

Ba, tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Bốn, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với 13 đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.

Năm, tiếp tục triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Sáu, tiếp tục kiện toàn, tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành thuế.

Bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.

Nguồn: TBKTVN