Vị thế của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu

Xu hướng phi đô la hóa (de-dollarization) của nền kinh tế thế giới là một trong những tâm điểm chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS - tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vào cuối tháng 8. 

Việc đồng USD giảm phổ biến trong thương mại và giao dịch tài chính ở Nam bán cầu liên tục được các nhà lãnh đạo thế giới tham gia sự kiện nhắc tới. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, thậm chí kêu gọi đưa ra một đồng tiền tệ mới chung cho khối BRICS.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào dữ liệu thương mại và giao dịch tài chính bằng đồng USD trong 10 năm qua, có thể thấy đồng USD đến nay vẫn củng cố vị thế lớn trên thị trường quốc tế.

Mỹ hiện chiếm khoảng 25% GDP và 10% thương mại hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Theo đó, không ngạc nhiên khi  USD có vai trò khổng lồ trong thương mại, dự trữ ngoại hối và trao đổi tiền tệ toàn cầu. Với tầm quan trọng của Mỹ trên thị trường tài chính và nợ toàn cầu, USD tiếp tục giữ vai trò quốc tế lớn.

Trong tháng 7/2023, lượng giao dịch bằng đồng USD qua hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT đạt kỷ lục mọi thời đại khi chiếm tới 46,5% tổng lượng giao dịch, tăng hơn 13 điểm phần trăm so với tháng 12/2012. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc - được xem là một trong những đối thủ của USD - cũng đạt mức tỷ trọng kỷ lục mới, dù chỉ là 3% tổng lượng giao dịch.

Trong dự trữ ngoại hối, Nhân dân tệ có vẻ đang thành công hơn so với USD, dù con số tuyệt đối cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm 2,5 điểm phần trăm trong 10 năm qua và giảm 7,5 điểm phần trăm so với 20 năm trước. Trong khi đó, tỷ trọng của Nhân dân tệ tăng 2,5 điểm phần trăm, từ mức 1,1% vào cuối năm 2016 lên 2,6% hiện tại.

Trong giao dịch ngoại hối, tỷ trọng của USD 10 năm qua tương đối ổn định, với hơn 88% vào năm 2022.

Vị thế của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 1

Nguồn: TBKTVN