Xuất khẩu giày dép 9 tháng giảm mạnh, chưa chạm 15 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu giày dép, một trong 6 nhóm hàng trên chục tỷ USD của nước ta đã chứng kiến mức giảm sâu, khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng chỉ đạt 14,86 tỷ USD, giảm 18,2%, tương ứng mức giảm 3,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa theo số liệu 8 tháng của Tổng cục Hải quan, các thị trường lớn như Mỹ, EU đều giảm mạnh nhập khẩu giày dép Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 4,76 tỷ USD, chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. 

Xuất khẩu giày dép sang thị trường EU 8 tháng năm 2023 đạt gần 3,13 tỷ USD, chiếm 23,4%, giảm 18,9%; Xuất khẩu giày dép sang thị trường Đông Nam Á đạt gần 358,69 triệu USD, chiếm 2,9%, tăng 38,7%.

Thị trường lớn hiếm hoi đạt tăng trưởng dương là Trung Quốc. 8 tháng qua, thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt gần 1,25 tỷ USD, chiếm 9,3%, tăng 10,3%; Xuất khẩu giày dép sang Nhật chiếm 5,4%, đạt 726,7 triệu USD, tăng 1%.

Năm ngoái, xuất khẩu giày dép đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,6%, chiếm tỷ trọng 85,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, các thị trường chủ lực đều đạt mức tăng trưởng rất cao, trong đó xuất khẩu đi Mỹ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 29,6% so với năm 2021 (chiếm tỷ trọng 40,2% xuất khẩu giày dép cả nước). Thứ hai là khu vực thị trường EU đạt 5,8 tỷ USD tăng 48,0% và chiếm tỷ trọng 24,5%.

Một số thị trường quan trọng khác như: thị trường Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD tăng 7,3% so với năm 2021; thị trường Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 35,6%; thị trường Anh đạt 765 triệu USD, tăng 40,4%; thị trường Hàn Quốc đạt 651 triệu USD, tăng 29,3%; thị trường Canada đạt 604,7 triệu USD, tăng 64,3%; thị trường Mexico đạt 411,7 triệu USD, tăng 30,7%; thị trường Ấn Độ đạt 223,4 triệu USD, tăng 96,8%...

Năm 2022 được xem là năm khá thành công trong hoạt động xuất khẩu toàn ngành da giày (bao gồm cả giày dép và túi xách). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành đứng gần cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2023 tình hình thị trường xấu đi nhiều, đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành ngay từ những tháng đầu năm.

Mặc dù các FTA thế hệ mới như EVFTA và UKVFTA, RCEP... đang góp phần hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu giày dép tại khu vực thị trường EU và thị trường Anh, Trung Quốc, ASEAN..., nhưng khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, xuất khẩu giày dép năm 2023 rất khó có tăng trưởng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng, lên tới 30-50% đối với các thị trường truyền thống, đặc biệt hai thị trường chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam là Mỹ và EU đều giảm 2 con số.

Đơn hàng bị co hẹp khiến các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm lao động.

Nguồn: Báo Đầu tư