Quay lại

Trung Quốc và Ấn Độ khó “cai” than đá

Dù Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - đã đặt ra những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo, nhưng giới chuyên gia cho rằng nhu cầu của hai nước này đối với than đá - loại nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm nhất - vẫn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Nếu xét về tiêu thụ năng lượng nói chung, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới còn Ấn Độ đứng thứ ba, sau Mỹ. Nếu xét về tiêu thụ than, hai nước này lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai. Than là một nguồn năng lượng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở hai quốc gia tỷ dân.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay đến năm 2025, tỷ trọng của Trung Quốc trong tiêu thụ điện toàn cầu sẽ tăng lên mức 1/3, từ mức 1/4 vào năm 2015. Than hiện chiếm 60% nhiên liệu cho việc phát điện toàn cầu.

Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ cũng đồng nghĩa nhu cầu năng lượng của nước này, gồm dầu thô và khí đốt, sẽ tăng mạnh - theo ông Rob Thummel, Giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư năng lượng Tortoise Capital.

“Nếu kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc còn tăng trưởng với tốc độ cao trong thập kỷ tới, nhu cầu than trên toàn cầu sẽ không sớm mất đi”, chiến lược gia hàng hoá Ian Roper của công ty tư vấn Astris Advisory Japan KK nhận định với hãng tin CNBC.

Nhu cầu than toàn cầu năm 2023 đạt mức cao kỷ lục, lần đầu tiên vượt qua mốc 8,5 tỷ tấn, do nhu cầu mạnh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ - IEA cho biết trong một báo cáo gần đây. Cũng theo báo cáo này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng chậm lại, trong đó hu cầu của Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ “tăng mạnh”.

Sản lượng than của Ấn Độ tăng lên mức 893 triệu tấn trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2023, tăng 15% so với tài khoá trước. Sản lượng than thô của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 2,9% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, Mỹ - nước tiêu thụ than nhiều thứ ba thế giới - đã chứng kiến nhu cầu đối với năng lượng này giảm xuống. Theo Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), mức tiêu thụ than bình quân mỗi ngày của Mỹ đã giảm 62% từ mức 2,8 triệu tấn vào năm 2008 xuống còn 1,1 triệu tấn hiện nay.

Trên phạm vi toàn cầu, phát thải carbon từ năng lượng hoá thành đã lập kỷ lục trong năm ngoái. Phát thải carbon của Ấn Độ được dự báo tăng 8,2% trong năm 2023, còn của Trung Quốc tăng 4% - theo ước tính mới nhất của tổ chức Global Carbon Budget.

“Tất cả mọi con mắt đều dang đổ dồn vào Trung Quốc và Ấn Độ, vì hai nước này đang tiêu thụ ngày càng nhiều than, và phát thải carbon của họ cũng tăng chứ không hề giảm”, ông Thummel nói.

Dù vậy, Trung Quốc và Ấn Độ đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo.

Trong đó, Ấn Độ muốn đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 50% nhu cầu điện của nước này. Quốc gia Nam Á cũng đã đạt một số bước tiến trên con đường đi tới mục tiêu đó, với năng lượng tái tạo hiện đóng góp khoảng 22% sản lượng điện toàn quốc. Điều này có nghĩa là 75% sản lượng điện của Ấn Độ được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Theo một nghiên cứu của ngân hàng Citibank, lượng than tồn kho tại các nhà máy điện của nước này trong năm 2023 tăng 6% so với năm trước đó. Nước này cũng dự kiến sẽ bổ sung 80 gigawatt công suất nhiệt điện than trong vòng 8 năm tới.

Tương tự, than là nguồn nhiên liệu đóng góp 61% sản lượng điện của Trung Quốc, dù nước này được công nhận là đi đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo. Số dự án năng lượng tái tạo mới được bổ sung vào lưới điện của Trung Quốc trong năm 2022 bằng cả thế giới cộng lại, và nước này có tham vọng đạt trạng thái carbon trung tính vào năm 2060.

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Nội Mông, Trung Quốc, năm 2016 - Ảnh: Getty/CNBC.

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Nội Mông, Trung Quốc, năm 2016 - Ảnh: Getty/CNBC.

Tuy nhiên, khi nguồn cung năng lượng tái tạo còn chưa thực sự đáng tin cậy, than vẫn giữ một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của hai quốc gia.

“Cách đây 2 năm, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Thuỷ điện ở nước này rất ít trong hai năm qua, nên họ phải quay trở lại với than”, ông Roper nêu rõ.

Năm ngoái, Trung Quốc trải qua một đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng, khiến sản lượng thuỷ điện tại các tỉnh miền Nam nước này giảm sâu. Để duy trì cung cấp điện cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất công nghiệp, Trung Quốc buộc phải tăng sử dụng than.

Câu chuyện ở Ấn Độ cũng có nhiều điểm tương đồng. Tháng 10 năm ngoái, tỷ trọng than trong phát điện của Ấn Độ tăng lên mức 80% so với mức 73% vào cùng kỳ năm 2022, do lượng mưa thấp khiến các nhà máy thuỷ điện gặp khó. Sản lượng than của Ấn Độ trong tháng đó tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục dựa vào than như một nguồn nhiên liệu chủ lực để phát điện trong những năm tới. “Tiêu thụ than ở Ấn Độ còn tăng trưởng ròng trong 1 thập kỷ tới, và ở Trung Quốc cũng vậy”, ông Roper nhận định.

Nguồn: TBKTVN