11 ngân hàng Mỹ bơm 30 tỷ USD cứu First Republic Bank

Một nhóm định chế tài chính Mỹ đã nhất trí gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào ngân hàng First Republic Bank, trong một động thái thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống ngân hàng - tuyên bố được nhóm đưa ra ngày 16/3 cho biết.

Theo tin từ hãng tin CNBC, các ngân hàng gồm  Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và  JPMorgan Chase sẽ góp 5 tỷ USD mỗi ngân hàng; Goldman Sachs và Morgan Stanley góp 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng; còn Truist, PNC, US Bancorp, State Street và Ban of New York Mello góp 1 tỷ USD mỗi ngân hàng.

“Hành động này của các ngân hàng lớn nhất Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào First Republic và vào các ngân hàng thuộc tất cả các quy mô khác nhau, đồng thời phản ánh cam kết chung của họ trong việc giúp các ngân hàng phục vụ khách hàng và cộng đồng của họ”, tuyên bố của nhóm ngân hàng nói trên có đoạn viết.

Số tiền gửi 30 tỷ USD nói trên sẽ ở trong First Republic ít nhất 120 ngày - theo một tuyên bố từ nhà băng này. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Mỹ lúc đầu giảm trong phiên ngày thứ Năm, nhưng sau đó chuyển sang trạng thái tăng sau khi thông tin về cuộc giải cứu được hé lộ.

Việc nhóm ngân hàng bơm tiền để vực dậy First Republic diễn ra sau khi cổ phiếu ngân hàng này bị bán tháo trong những ngày gần đây, khi giới đầu tư lo ngại vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào hôm thứ Sáu tuần trước và của Signature Bank vào cuối tuần trước có thể kéo First Repulic sập theo và gây đổ vỡ trong cả hệ thống.

Cả SVB và Signature Bank đều có một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, tương tự như ở First Republic. Điều này dẫn tới lo ngại rằng khách hàng của First Republic sẽ ồ ạt rút tiền. Số 30 tỷ USD mà nhóm ngân hàng quyết định gửi vào First Republic cũng không nằm trong diện được bảo hiểm.

Giá cổ phiếu First Republic đã giảm từ 115 USD/cổ phiếu vào hôm 8/3 xuống tới 20 USD/cổ phiếu trong phiên ngày thứ Năm. Lúc đóng cửa, cổ phiếu này tăng gần 10%, đạt 34,27 USD/cổ phiếu.

Chủ tịch Jim Herbert và CEO Mike Roffler của First Republic nói rằng “chúng tôi rất lấy làm cảm kích” về sự giải cứu của nhóm 11 ngân hàng.

Hôm Chủ nhật tuần trước, First Republic tuyên bố có hơn 70 tỷ USD thanh khoản sẵn có, chưa kể tiền mặt có thể huy động thêm từ chương trình cấp vốn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, điều đó không đủ để ngăn nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu First Republic.

Ngày 16/3, First Republic cho biết có khoảng 15 tỷ USD tiền mặt ở thời điểm 15/3, chưa kể số 30 tỷ USD tiền gửi từ nhóm 11 ngân hàng. First Republic cũng đã vay hàng chục tỷ USD từ Fed và Ngân hàng Cho vay mua nhà Liên bang trong vòng 1 tuần trở lại đây. First Republic cho biết dòng tiền chảy khỏi ngân hàng này do khách hàng rút tiền đã “chậm lại đáng kể”.

Trong một tuyên bố chung, Fed, Bộ Tài chính Mỹ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ nói rằng việc 11 ngân hàng vào cuộc cứu First Republic “cho thấy sự vững vàng của hệ thống ngân hàng”.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, nhiều ngân hàng ngấp nghé bờ vực đổ vỡ đã được đối thủ lớn hơn mua lại với giá rẻ trong nỗ lực bình ổn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những khoản thua lỗ chưa được hiện thực hoá trong danh mục đầu tư trái phiếu của First Republic do lãi suất tăng mạnh trong 1 năm qua khiến cho việc mua lại nhà băng này trở nên kém hấp dẫn - nguồn thạo tin cho hay. Nguồn tin nói rằng số thua lỗ đó có thể tạo ra một lỗ hổng 25 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của First Republic.

Khách hàng chủ yếu của First Republic là khách giàu và doanh nghiệp, còn hai mảng chính của ngân hàng này là quản lý gia sản và cho vay bất động sản. First Republic có hơn 212 tỷ USD tài sản vào thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái và lãi ròng hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2023.

Nguồn: TBKTVN