Chủ tịch Fed lấp lửng về việc có tăng lãi suất nữa hay không

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/7 quyết định tăng lãi suất lần thứ 11 trong chu kỳ thắt chặt khởi động vào tháng 3/2022 - một động thái không nằm ngoài dự báo - nâng lãi suất lên mức cao nhất hơn 22 năm. Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu “nước đôi” về việc Fed sẽ tăng thêm lãi suất trong thời gian tới hay dừng lại.

Mức tăng lãi suất của Fed trong lần họp này là 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) - lãi suất điều hành của Fed - lên ngưỡng 5,25-5,5%. Mức trung bình của khoảng lãi suất mục tiêu này là mức cao nhất của lãi suất Fed kể từ đầu năm 2001.

Trước cuộc họp, thị trường mong ngóng từ Fed những tín hiệu rằng đợt tăng này có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng trước khi Fed tạm dừng để đánh giá xem liệu những đợt tăng trước đang ảnh hưởng như thế nào đến các điều kiện kinh tế. Trong cuộc họp hồi tháng 6, các nhà hoạch định chính sách Fed phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, thị trường đã đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần vào tháng 7 này rồi dừng lại.

FED SẼ “CẨN TRỌNG VÀ DỰA VÀO DỮ LIỆU”

Trong họp báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed, ông Powell nói rằng lạm phát đã dịu đi một phần kể từ giữa năm ngoái, nhưng “vẫn còn chặng đường dài phải đi” để đạt tới mục tiêu 2% của Fed. Dù vậy, ông Powell có vẻ như để ngỏ cánh cửa cho việc dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9.

“Tôi muốn nói gần như chắc chắn rằng chúng tôi sẽ lại tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 nếu các dữ liệu yêu cầu như vậy. Và tôi cũng muốn nói rằng có thể chúng tôi sẽ chọn giữ nguyên lãi suất và đưa ra những đánh giá cẩn trọng, như tôi đã nói, là theo theo từng cuộc họp một”, ông Powell nói tại một cuộc họp báo sau khi quyết định tăng lãi suất được đưa ra.

Ông Powell nói Fed sẽ đánh giá “tổng thể các dữ liệu kinh tế sắp tới” cũng như ảnh hưởng của việc tăng lãi suất đối với các hoạt động kinh tế và lạm phát.

“Đã đến lúc Fed cần cho nền kinh tế một khoảng thời gian để hấp thụ ảnh hưởng của những đợt tăng lãi suất đã có”, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM nhận định. “Với đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm mới nhất của Fed, chúng tôi tin rằng sự cải thiện về lạm phát, tốc độ tạo công ăn việc làm giảm bớt, và tăng trưởng kinh tế yếu đi sẽ tạo ra những điều kiện để Fed thực sự có thể kết thúc chiến dịch tăng lãi suất”.

Tuy nhiên, tuyên bố sau cuộc họp của Fed đưa ra một triển vọng “mập mờ” về các động thái trong tương lai của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

“Uỷ ban sẽ tiếp tục đánh giá thêm thông tin và ảnh hưởng của các thông tin đó đến chính sách tiền tệ”, tuyên bố có đoạn viết, và nội dung này chỉ được thay đổi một chút so với tuyên bố cuộc họp tháng 6 của Fed. Lời khẳng định sẽ hành động theo dữ liệu, thay vì theo một lộ trình được vạch sẵn, luôn được đưa ra trong các tuyên bố của Fed thời gian gần đây.

Quyết định tăng lãi suất ngày 26/7 của Fed nhận được sự đồng thuận của 100% thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed.

BỨC TRANH KINH TẾ MỸ

Thay đổi duy nhất còn lại trong tuyên bố lần này của Fed là nâng dự báo tăng trưởng kinh tế lên ngưỡng “vừa phải” từ ngưỡng “khiêm tốn” đưa ra trong cuộc họp tháng 6, dù Fed cho tằng kinh tế Mỹ ít nhất sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ. Tuyên bố một lần nữa cho rằng lạm phát còn đang “ở mức cao” và tăng trưởng việc làm “mạnh mẽ”.

Trong chu kỳ thắt chặt này, Fed đã có 11 lần nâng lãi suất. Lần nâng vừa rồi diễn ra sau khi Fed tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, sau 10 lần nâng liên tiếp không nghỉ.

Kể từ sau cuộc họp tháng 6 của Fed, Powell đã đưa ra những phát biểu rằng ông nhận thấy lạm phát còn quá cao. Cuối tháng 6, ông cho biết ông kỳ vọng sự thắt chặt hơn nữa đối với chính sách tiền tệ - ám chỉ việc tăng lãi suất nhiều hơn.

Lãi suất quỹ liên bang quy định mức mà các ngân hàng tính với nhau khi cho vay qua đêm. Nhưng lãi suất này ảnh hưởng đến nhiều hình thức vay nợ tiêu dùng như vay thế chấp nhà, thẻ tín dụng, và các khoản vay mua ô tô và vay cá nhân.

Fed đã không có một chiến dịch tăng lãi suất nào mạnh mẽ như hiện nay kể từ đầu những năm 1980 - thời điểm mà Fed cũng đang phải chiến đấu với lạm phát cao bất thường và nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Tin tức gần đây về lạm phát ở Mỹ đã mang đến những tia hy vọng mới về sự xuống thang của giá cả. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 6 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng ở mức 9,1% vào tháng 6 năm ngoái - mức cao nhất của 41 năm. Người tiêu dùng cũng đang trở nên lạc quan hơn về xu hướng giá cả, với cuộc khảo sát tâm lý mới nhất của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng kỳ vọng mức lạm phát 3,4% trong năm tới.

Tuy nhiên, CPI lõi tháng 6 tăng ở mức 4,8%. Hơn nữa, công cụ theo dõi CPI của Fed chi nhánh Cleveland đang chỉ ra tỷ lệ lạm phát toàn phần hàng năm là 3,4% và tỷ lệ lạm phát lõi là 4,9% trong tháng 7. Chưa kể, thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 3,8% về toàn phần và 4,6% về lõi trong tháng 5.

Tất cả những con số đó, mặc dù thấp hơn nhiều so với mức tồi tệ nhất của chu kỳ hiện tại, đều còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã thể hiện sự vững vàng đáng ngạc nhiên bất chấp việc tăng lãi suất. Fed chi nhánh Atlanta cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 có khả năng đạt 2,4%. Nhiều nhà kinh tế vẫn dự đoán một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới, nhưng những dự đoán đó cho đến nay bị cho là thiếu độ chín muồn. GDP Mỹ đã tăng 2% trong quý đầu tiên của năm nay.

Số lượng việc làm trong nền kinh tế cũng đã tăng lên đáng kể. Khu vực phi nông nghiệp đã có thêm thêm gần 1,7 triệu trong năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 ở mức tương đối ổn định là 3,6% - bằng với mức của một năm trước.

“Tôi luôn nhất quán quan điểm rằng chúng ta có thể đưa được lạm phát quay trở lại mục tiêu mà không xảy ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng dẫn đến mất việc làm ồ ạt”, ông Powell nói trong cuộc họp báo.

Cùng với việc tăng lãi suất, Fed cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối kế toán, vốn đã đạt đỉnh 9 nghìn tỷ USD trước khi Fed bắt đầu việc thắt chặt định lượng (QT). Bảng cân đối kế toán hiện của Fed ở mức 8,32 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh Fed để cho 95 tỷ USD trái phiếu đáo hạn mỗi tháng mà không dùng số tiền thu được đó để mua trái phiếu mới.

Nguồn: TBKTVN