Áp lực kiểm soát lạm phát 2023 đến từ những hướng nào?

Thực tế cho thấy, dù Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 chỉ tăng 0,52% so với tháng trước đó, nhưng lại tăng tới 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn thế, lạm phát cơ bản trong tháng này đã tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%) và là mức cao nhất cùng kỳ tháng 1 các năm từ 2016 trở lại đây.

Đây là điều đã được dự báo từ trước, bởi lạm phát và giá cả tháng đầu năm thường chịu tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố, từ quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; đến các chính sách như hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023. Đó là chưa kể xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay, cũng như sự gia tăng chi phí sản xuất, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu… Điều này khiến những cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao quay trở lại đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, chứ không phải bây giờ mới được nhắc tới.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc “nhập khẩu” lạm phát. Lạm phát “nhập khẩu” làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước. Chính yếu tố này khiến lạm phát năm nay có những điểm khác biệt, không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008 - 2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Nhận định về diễn biến lạm phát tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho là “chưa từng có tiền lệ”, phát sinh do kinh tế thế giới, đồng thời bị tác động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước.

Để ứng phó với lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, thu hẹp nhu cầu của nền kinh tế, từ đó tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất. Song mặt trái của chính sách này lại làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế nỗ lực cải thiện nguồn cung, tạo nguy cơ “đình lạm” kéo dài, khiến lạm phát duy trì ở mức cao, tăng trưởng kinh tế thấp tại nhiều quốc gia.

Chính vì vậy, với Việt Nam, trong bối cảnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì trọng tâm chính sách kiểm soát lạm phát và điều hành vĩ mô không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải thực hiện đồng thời cả chính sách tài khóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất điều này.

Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, góp phần giảm giá đầu ra, kiểm soát tốt lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ điều hành tín dụng, lãi suất hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công…

Riêng chính sách tiền tệ phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác… Cùng với đó, điều quan trọng không kém là phải thận trọng trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là những nhóm hàng có tác động mạnh đến lạm phát, chi phí vận chuyển, sản xuất và đời sống người dân, như điện, xăng, dầu… tránh tác động cộng hưởng đến lạm phát trong nước.

Hiện tại, ngoài “nhập khẩu” lạm phát, đang có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Sự phục hồi tiêu dùng trong nước có thể đẩy giá cả lên cao, nhất là trong bối cảnh kể từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở cho lao động sẽ tăng từ mức 1,49 triệu đồng/tháng hiện nay lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể, rất có thể, sau một thời gian bị kìm giữ, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng. Việc mới đây, Chính phủ quyết định điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 220 - 537 đồng/kWh đã làm dấy lên nỗi lo giá bán lẻ điện sẽ tăng.

Áp lực lạm phát rõ ràng đang rất lớn!

Nguồn: TBKTVN