Quay lại

Can thiệp không nổi, đồng yên tiếp tục mất giá mạnh

Các cuộc can thiệp của nhà chức trách Nhật Bản vào thị trường ngoại hối dường như chỉ có tác dụng rất hạn chế trong việc chống lại sự mất giá của đồng yên, không chỉ so với đồng USD mà còn với các đồng tiền chủ chốt khác. Theo tờ báo Nikkei Asia, hoạt động giao dịch tiền tệ dựa trên chênh lệch lãi suất (carry-trade) đang tiếp tục đẩy tỷ giá yên xuống mức thấp lịch sử so với các đồng như franc Thuỵ Sỹ và bảng Anh.

Trao đổi với tờ báo này, chuyên gia Takumi Naya của ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking cho rằng sự thận trọng mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thể hiện trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần trước đã khiến thị trường phản ứng theo chiều hướng “gia tăng áp lực bán tháo lên đồng yên”.

Phiên giao dịch ngày 19/6, đồng yên tụt giá xuống mức 158 yên đổi 1 USD. Trong cuộc họp vừa rồi, BOJ quyết định trì hoãn đến tháng 7 mới công bố chi tiết kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ. Giới phân tích cho rằng sự trì hoãn này cho thấy quan điểm dè dặt của BOJ trong việc đưa chính sách tiền tệ từ trạng thái siêu nới lỏng về trạng thái bình thường.

Trong bối cảnh như vậy, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản lại càng trở nên nổi bật hơn, với lãi suất ngắn hạn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang là 5-5,25% và của BOJ đang là 0-0,1%.

Thời gian qua, áp lực mất giá đối với yên Nhật chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa BOJ và các ngân hàng trung ương lớn khác trong đó có Fed. Trong khi BOJ còn dè dặt với việc nâng lãi suất thì Fed cũng chưa mạnh dạn với việc giảm lãi suất, nên khoảng cách lãi suất giữa hai bên có thể sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian đáng kể.

Với đồng yên tiếp tục bị bán mạnh, thị trường đang chờ xem liệu tỷ giá có tụt về mức 160 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất của 34 năm thiết lập hôm 29/4, hay không. Đây là mức tỷ giá khiến Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy đồng nội tệ đợt vừa rồi.

Nhà chức trách Nhật đã xác nhận chi 61,4 tỷ USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 vào tháng 5. Giới phân tích tin rằng khả năng tiếp tục có can thiệp chính là yếu tố giúp cho tỷ giá yên cao hơn khoảng 2 yên/USD so với mức tỷ giá trong trường hợp không có khả năng như vậy.

Tuy nhiên, việc đồng yên tiếp tục mất giá so với các đồng tiền khác được cho là ít có khả năng dẫn tới một động thái can thiệp của nhà chức trách ở Tokyo.

Hôm thứ Ba tuần này, đồng yên giảm xuống ngưỡng 178 yên đổi 1 franc Thuỵ Sỹ, mức thấp kỷ lục dựa trên dữ liệu về cặp tỷ giá này từ năm 1982. So với đồng bảng Anh, yên giảm giá xuống mức 201 yên đổi 1 bảng vào hôm thứ Sáu tuần trước, thấp nhất trong khoảng 16 năm trở lại đây.

Cũng vào hôm thứ Sáu, tỷ giá yên chạm mức đáy 17 năm so với đồng đôla New Zealand. Trước đó, đồng yên rớt xuống mức thấp nhất 11 năm so với đồng đôla Australia vào hôm thứ Tư.

Sau cuộc can thiệp của BOJ vào thị trường ngoại hối, đồng yên có hồi phục so với đồng euro. Nhưng từ hôm thứ Sáu tuần trước đến nay, đồng yên đã tụt giá từ mức 167 yên đổi 1 euro xuống mức 169 yên đổi 1 euro.

Không chỉ mất giá so với các đồng tiền chủ chốt, yên còn trượt giá so với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. So với đồng rand Nam Phi, yên đã giảm giá xuống mức thấp nhất 2 năm, khoảng 8 yên đổi 1 rand. So với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng baht của Thái Lan, tỷ giá yên đang thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Hoạt động carry-trade đang tiếp tục “dìm” tỷ giá đồng yên. Trong giao dịch carry-trade, nhà dầu tư vay yên ở lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản định giá bằng những đồng tiền có lãi suất cao hơn. Một thị trường ổn định càng làm gia tăng sức hấp dẫn của carry-trade vì giúp giảm rủi ro thua lỗ.

“Quyết định của BOJ đợi đến tháng 7 mới giảm chương trình mua trái phiếu đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động carry-trade nhằm vào đồng yên, ít nhất cho tới tháng tới”, chuyên gia Akira Moroga của ngân hàng Aozora Bank nhận định.

Về phần mình, Fed có thể đợi ít nhất đến mùa thu mới có thể bắt đầu hạ lãi suất. Nhiều chuyên gia thậm chí dự báo đến tháng 12 Fed mới có đợt giảm lãi suất đầu tiên.

Một chỉ số đo sức hấp dẫn của giao dịch carry-trade giữa đồng yên và đồng USD đã tăng lên mức cao nhất 3 tuần ở 0,61 điểm vào hôm thứ Hai tuần này. Điều này cũng làm gia tăng sức hút của các giao dịch khác sử dụng đồng USD làm trung gian.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro chính trị, như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 năm nay, có thể “hãm phanh” xu hướng carry-trade nhằm vào đồng yên. Trên thực tế, đồng yên đã tăng giá hơn 10% so với đồng peso của Mexico kể từ cuối tháng 5 tới nay, sau cuộc tổng tuyển cử ở Mexico vào đầu tháng 6 này.

Nguồn: TBKTVN