Chế biến, xuất khẩu hải sản: Khó ngay từ “đầu vào”

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu hải sản trong 7 tháng năm 2024 đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Hải sản của Việt Nam được xuất khẩu tới 129 thị trường, trong đó 3 thị trường lớn nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang Nhật Bản đạt 444 triệu USD, giảm 4%; sang Hoa Kỳ đạt 300 triệu USD, tăng 14%; sang Hàn Quốc đạt 207 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ GẶP KHÓ VÌ QUY ĐỊNH MỚI

VASEP cho biết cá ngừ vẫn là mặt hàng đứng đầu về giá trị kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hải sản của Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ và EU đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt là 22% và 36%. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường như Israel, Nga và Hàn Quốc cũng chứng kiến sự tăng trưởng tốt.

Chế biến, xuất khẩu hải sản: Khó ngay từ “đầu vào” - Ảnh 1

Tại thị trường EU, cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm chủ lực, đạt 62 triệu USD, chiếm gần 49% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ vào thị trường này. Đức, Ba Lan, Hà Lan, Italy, Sip và Đan Mạch là 6 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất trong khối EU.

Trong đó, Ba Lan và Đan Mạch là 2 nước đang tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Trái lại, Hà Lan lại giảm nhập khẩu mặt hàng này. Nguyên nhân là bởi từ sau khi chi phí vận chuyển tăng cao, các nước EU có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ qua các cảng trung chuyển của Hà Lan, tăng nhập khẩu trực tiếp để giảm bớt chi phí.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ hiện đang gặp khó ở khâu khai thác, do Nghị định 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 19/5/2024) quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5m.

Theo VASEP, hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ không mua được nguyên liệu cá ngừ đúng theo quy định mới, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 mét trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.

“Mặc dù quy định nêu ra dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng quy định này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá ngừ khan hiếm nguồn nguyên liệu, nguy cơ mất nhiều thị trường lớn”, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản của Tổng cục Thủy sản, cảnh báo. Đồng thời, ông Hải kiến nghị cần phải điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian sớm nhất.

Hiện, các doanh nghiệp không có đủ nguồn cung cá ngừ vằn (nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp) có xuất xứ thuần túy để sản xuất và xuất khẩu. Vì vậy, dự kiến xuất khẩu cá ngừ sẽ khó duy trì được tăng trưởng trong thời gian từ nay đến cuối năm. Do đó, sẽ rất khó để ngành cá ngừ giành lại được mốc 1 tỷ USD như mục tiêu đề ra cho năm 2024.

HÀN QUỐC TĂNG NHẬP KHẨU MỰC, BẠCH TUỘC

Trong 7 tháng năm 2024, mực và bạch tuộc là sản phẩm đứng vị trí thứ hai về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hải sản, đạt khoảng 351 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 140 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm này, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 71,9%, mực chiếm 28,1%. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…

Theo VASEP, Hàn Quốc đang giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Peru, nên tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Nguồn cung mực, bạch tuộc từ Trung Quốc cho các thị trường như Hàn Quốc cũng giảm sút do thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng dương trong các tháng tiếp theo của năm 2024.

Cùng với sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cá ngừ, mực và bạch tuộc, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác đạt 83 triệu USD; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 81 triệu USD, còn lại là cá biển và hải sản khác. Trong nhóm cá biển, nhiều mặt hàng cá biển có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: cá chẽm có tăng trưởng xuất khẩu 27% đạt trên 42 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 14% đạt trên 34 triệu USD…

Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu hải sản cho chế biến, xuất khẩu tại Việt Nam dựa vào 3 nguồn chính: đánh bắt, nuôi biển và nhập khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2023, tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm: cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; hải sản khác 300 nghìn tấn.

Dự kiến sản lượng hải sản nuôi biển thu hoạch năm 2024 đạt hơn 900 nghìn tấn. Tuy vậy, chủng loại hải sản nuôi biển vẫn chưa phong phú, chủ yếu là cá mú, cá chẽm, tôm hùm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Nhiều loại hải sản khác đang xuất khẩu rất mạnh nhưng lại chưa nuôi được, như: cá ngừ, bạch tuộc, cá thu, cá chỉ vàng, cá minh thái, cá cam… Do vậy, phần lớn nguyên liệu hải sản vẫn phụ thuộc vào đánh bắt.

VẪN KHÓ GIẢM SẢN LƯỢNG ĐÁNH BẮT

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 85.980 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 6-12m là 39.867 chiếc; tàu có chiều dài từ 12-15m là 16.561 chiếc; tàu có chiều dài từ 15-24m là 27.022 chiếc; tàu trên 24m là 2.530 chiếc.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 10/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về các giải pháp khắc phục hạn chế trong hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Theo đó, để đạt mục tiêu gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) trong năm 2024, cần tập trung hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống VMS từ trung ương đến địa phương...

Nguồn: TBKTVN