Quay lại
Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao
Ngày 9/8/2024, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3107/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”. Bản tin ITPC trích dẫn một số nội dung quan trọng của kế hoạch này.
Về sự cần thiết của việc xây dựng Đề án, văn bản nêu rõ, TP.HCM là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị đặc biệt với dân số và quy mô lớn nhất Việt Nam. Nằm tại vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm vùng Đông Nam Bộ với kết nối giao thông đa phương thức phát triển mạnh mẽ, TP. HCM sớm trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục và là đầu mối giao thông lớn nhất cả nước tới các vùng lân cận và giao lưu quốc tế. TP.HCM giữ vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của toàn vùng, đóng góp khoảng 28,3% tổng thu ngân sách hàng năm của cả nước (giai đoạn 2011 - 2022). Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của Thành phố, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TP.HCM đã và đang chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2022, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GRDP của Thành phố và có xu hướng ngày càng tăng (từ 57,67% năm 2010 lên 62,54% năm 2020 và 64,2% vào năm 2022). Trong đó, 09 ngành dịch vụ chủ lực chiếm hơn 90% khu vực ngành dịch vụ Thành phố là: bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
TP. HCM đã quan tâm thúc đẩy phát triển dịch vụ chất lượng cao, có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh so với các khu vực khác trong cả nước và có tỷ trọng đóng góp lớn trong tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP). Nhờ đó, Thành phố luôn duy trì vị thế là trung tâm về dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, đóng góp 25,7% tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước (giai đoạn 2011 - 2022).
Tuy nhiên, khu vực dịch vụ của Thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: đa phần các đơn vị dịch vụ vẫn ở quy mô vừa và nhỏ; chưa hình thành được các đơn vị dịch vụ hàng đầu có vai trò dẫn dắt thị trường; hạn chế về nguồn vốn đầu tư; mối liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn hạn chế và đặc biệt, công tác chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới còn hạn chế. Do đó, việc xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp Thành phố vượt qua các vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai.
Đối tượng nghiên cứu tập trung 09 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Mục tiêu tổng quát phát triển các ngành dịch vụ của TP.HCM:
Đẩy mạnh khu vực dịch vụ của TP.HCM trở thành khu vực kinh tế chủ chốt với chất lượng, hiệu quả, hướng đến xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM ngang bằng với nhóm các quốc gia phát triển trong khu vực và quốc tế.
Xây dựng TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Phấn đấu đến năm 2030: xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Phấn đấu đến năm 2045: xây dựng TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050: TP.HCM sẽ trở thành thành phố biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Mục tiêu cụ thể Giai đoạn 2021 - 2030: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ngành dịch vụ của thành phố duy trì 8,6%/năm giai đoạn 2021 - 2030; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP chiếm hơn 60%; Giai đoạn 2030 đến năm 2040 và định hướng đến năm 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Xác định tỷ trọng, mục tiêu phát triển các ngành dịch vụ trọng tâm (thương mại, logistic, tài chính, kinh tế số...) và các chỉ tiêu xác định TP.HCM là trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Đề cương phân chia các ngành dịch vụ chủ yếu thành 03 nhóm chính để từ đó đề xuất mục tiêu, định hướng phù hợp với tính chất của từng nhóm: Nhóm ngành dịch vụ ưu tiên (bao gồm nhóm ngành có giá trị gia tăng cao và có tỷ trọng đóng góp lớn vào GRDP thành phố); Nhóm ngành dịch vụ mới và tiềm năng và Nhóm ngành dịch vụ duy trì.
TP.HCM định hướng phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao:
Đến năm 2030: xác định và định hướng phát triển các ngành ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng có vị thế đầu tàu cả nước và nổi trội trong khu vực Đông Nam Á (ưu tiên các ngành: dịch vụ - công nghiệp, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ...).
Đến năm 2040: xác định và định hướng phát triển các ngành ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng có vị thế ngang tầm các nước trong khu vực châu Á (ưu tiên các ngành: tài chính, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...)
Đến năm 2050: xác định và định hướng phát triển các ngành ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng có vị thế ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (ưu tiên các ngành: công nghiệp công nghệ cao, logistic, dịch vụ số và đổi mới sáng tạo, tài chính, du lịch...).
Đối với các nhóm ngành dịch vụ ưu tiên, mới và tiềm năng, duy trì đã được lựa chọn, nội dung tập trung phân tích, đánh giá về quan điểm và định hướng phát triển nhóm, phân ngành nhỏ tiềm năng, phù hợp với Thành phố; phân bố không gian phát triển; định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; định hướng phát triển nguồn nhân lực; định hướng về liên kết, hợp tác phát triển... Đồng thời, cần thiết xác định các nhóm ngành có tính chất tương hỗ, tác động qua lại để có định hướng phái triển phù hợp cho từng hệ sinh thái ngành dịch vụ của TP.HCM.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đề cương nêu nhiệm vụ trọng tâm là:
Rà soát, chọn lọc và điều chỉnh các đề án phát triển các ngành dịch vụ riêng lẻ đã, đang và sẽ triển khai thực hiện (nếu có) để đảm bảo sự hài hòa, phù hợp về nội dung, định hướng, mục tiêu giải pháp phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn, đảm bảo các đề án riêng lẻ đã, đang và sẽ triển khai là kế hoạch triển khai Đề án tổng thể ngành dịch vụ của Thành phố.
Rà soát, xác định nhóm ngành, lĩnh vực dịch vụ, dự án ưu tiên cần tập trung phát triển mạnh ngay hoặc chuyển đổi... để có các giải pháp tác động phù hợp, hướng đến đạt mục tiêu đề ra.
Giải pháp thực hiện có nhóm giải pháp chung bao gồm:
Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, tạo môi trường pháp lý, đầu tư thuận lợi thu hút, khuyến khích các chủ thể tham gia phát triển kinh tế dịch vụ.
Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế dịch vụ...
Nhóm giải pháp phát triển các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh
Giải pháp về tài chính.
Giải pháp đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành dịch vụ.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia.
Giải pháp xây dựng thương hiệu...
Nhóm giải pháp quy hoạch
Giải pháp quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố, định hướng quy hoạch các khu vực phát triển dịch vụ chủ yếu và trung tâm dịch vụ trọng điểm.
Giải pháp quy hoạch hạ tầng đô thị, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch và chuyển đổi công năng các công trình...
Nhóm giải pháp về liên kết vùng kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững
Giải pháp xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế.
Giải pháp phát triển thị trường, tăng cường chuỗi giá trị...
Nhóm giải pháp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ
Giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển thương mại điện tử.
Giải pháp nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Nhóm giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các ngành kinh tế dịch vụ
Giải pháp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức các chủ thể.
Giải pháp quảng bá thương hiệu....
Các nhóm giải pháp khác bao gồm giải pháp riêng cho từng nhóm ngành dịch vụ ưu tiên, nhóm ngành dịch vụ mới và tiềm năng và nhóm ngành dịch vụ duy trì.
Nguồn: Phòng Thông tin.
Tin khác
— 10 Số bài trên trang